Việc kiểm tra tổ chức Đảng và Đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đã được quy định cụ thể trong Chương VII, Chương VIII của Điều lệ Đảng. Đây là một trong những nhiệm vụ của các tổ chức Đảng có thẩm quyền, mà trước hết là của Ủy ban Kiểm tra các cấp nhằm xem xét, kết luận tổ chức Đảng và đảng viên có hoặc không có vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc, quy định của Đảng, tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; đồng thời xem xét xử lý kỷ luật kịp thời đối với các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh, chính xác, kịp thời để góp phần vào việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng Đảng viên.
Trong nhiệm kỳ 2015 -2020, Đảng bộ huyện đã tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 06 tổ chức đảng và 25 đảng viên; những tháng đầu năm của nhiệm kỳ 2020 -2025 đã tiến hành kiểm tra 03 tổ chức đảng và 07 đảng viên. Nội dung: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc sinh hoạt Đảng; việc Quyết định công tác cán bộ không đúng thẩm quyền; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức, lối sống; quy định về bảo vệ chính trị nội bộ; chế độ sinh hoạt Đảng, nguyên tắc quản lý tài chính và đã xử lý thi hành kỷ luật những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật...Qua thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm cho thấy: Nhận thức của các cấp ủy đảng, đảng viên và Ủy ban Kiểm tra các cấp đều xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những biện pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa những vi phạm xảy ra, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và toàn Đảng bộ. Đa phần đối tượng được kiểm tra đều tự giác, chấp hành, nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót và có biện pháp khắc phục sửa chữa khuyết điểm, vi phạm để tiến bộ; đội ngũ làm công tác kiểm tra từng bước được củng cố, được bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp nâng cao năng lực công tác, bản lĩnh chính trị vững vàng, vì vậy khi thực hiện nhiệm vụ mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số những hạn chế trong quá trình kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm: Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng phát hiện, tổng hợp, phân tích, đánh giá của cán bộ làm công tác kiểm tra ở cơ sở còn những hạn chế nhất định; công tác nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra chưa chủ động, thiếu toàn diện; còn tình trạng ngại va chạm, nể nang, né tránh, thiếu kiên quyết; tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ chủ chốt của địa phương, đơn vị khi có dấu hiệu vi phạm còn tâm lý ngại bị kiểm tra, cho kiểm tra là ảnh hưởng đến uy tín; việc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, vi phạm của một số tổ chức cơ sở đảng, đảng viên sau kiểm tra chưa đạt được kết quả như mong muốn. Việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm các tổ chức đảng và đảng viên tại các cấp uỷ, Uỷ ban kiểm tra cơ sở còn ít.
Nguyên nhân, chủ yếu là do vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên ngày càng tinh vi, phức tạp; tính chất, mức độ, quy mô nên khó phát hiện; năng lực, chuyên môn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Một số cấp ủy cơ sở, người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, chưa chủ động phát hiện và thực hiện các quy trình kiểm tra từ đó hiệu quả, chất lượng một số cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm chưa đảm bảo quy trình, quy định.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm một số nhiệm vụ:
Thứ nhất: Tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nhiệm vụ công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xác định công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng.
Thứ hai: Tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, những Quy định, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, có tinh thần đấu tranh bảo vệ các quan điểm của Đảng.
Thứ ba: Tăng cường công tác nắm bắt thông tin, bám sát địa bàn cơ sở, tiếp nhận, khai thác thông tin, kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để đưa ra kết luận, nhất là tại các địa bàn trong điểm, lĩnh vực nhảy cảm dễ phát sinh vi phạm (tài chính, đầu tư xây dựng, tài nguyên, đất đai....).
Thứ tư: Cần phối hợp tốt hơn nữa công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm gắn với công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện của đảng viên; kiểm tra cần chủ động để phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện, khắc phục hạn chế thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm ngay từ lúc mới manh nha.
Thứ năm: Phát huy tinh thần tự giác của đảng viên; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hình thức kiểm tra phù hợp với từng đối tượng và thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra đảm bảo theo quy định của Đảng.
Thứ sáu: Cấp uỷ các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót của tổ chức đảng, đảng viên từ đó giúp cho tổ chức đảng và đảng viên ngày càng tiến bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ huyện ngày càng trong sạch vững mạnh.