Công tác dân tộc, thành quả đi đôi với trách nhiệm

  • /
  • 17.7.2013 - 7:54

Thời gian vừa qua, Hàm Tân tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các cấp, các ngành của huyện đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó sản xuất, đời sống của đồng bào ổn định, lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.

Qua đánh giá tình hình cho thấy các lĩnh vực từ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đến an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS… tiếp tục được đầu tư. Tổng số vốn ước thực hiện khoảng 2,7 tỷ đồng, trong đó thực hiện Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ cho vay hộ nghèo đặc biệt khó khăn 179 hộ/1,553 tỷ đồng (bình quân 8,67 triệu đồng/01 hộ). Chương trình 135 phân khai 200 triệu đồng đầu tư kết cấu hạ tầng cho thôn Tân Quang, xã Sông Phan sử dụng làm đường giao thông nông thôn. Hỗ trợ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 102 của Chính phủ có 6.034 khẩu/482,720 triệu đồng. Công tác giao khoán bảo vệ rừng cho hộ đồng bào DTTS đạt 100 kế hoạch với diện tích 1.622,3 ha cho 50 hộ với số tiền 324,460 triệu đồng, các hộ nhận khoán đã tích cực quản lý, bảo vệ khá tốt diện tích rừng nói trên. Thực hiện Quyết định số 93 của UBND tỉnh có 493 học sinh được nhận tổng số tiền 417,340 triệu đồng…

Nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao được tổ chức trong vùng đồng bào DTTS, thu hút đông đảo đồng bào tham gia. Chính sách cấp các ấn phẩm báo, tạp chí không thu tiền thuộc các đối tượng trong vùng đồng bào DTTS, miền núi và vùng khó khăn theo Quyết định 759 của tỉnh cũng được quan tâm triển khai thực hiện. Đến nay, 100% thôn, khu phố có đồng bào DTTS sinh sống đều phát động và đăng ký xây dựng thôn, khu phố văn hóa, 100% xã có đồng bào DTTS có hệ thống điện thoại, trạm truyền thanh, bưu điện văn hóa. Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống của đồng bào và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được chính quyền quan tâm và duy trì thường xuyên đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Các xã, thị trấn đều có cơ sở y tế hoạt động khám và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng; các chương trình y tế quốc gia được quan tâm có 95% số con em bà con trong vùng đồng bào dân tộc đã được tiêm chủng phòng 06 bệnh truyền nhiễm.

 Từ tình hình trên, có thể nói việc quan tâm phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế vùng đồng bào DTTS của huyện thời gian qua đã góp phần làm cho bộ mặt vùng đồng bào DTTS thêm phần khởi sắc. Đời sống của đồng bào DTTS tiếp tục ổn định và có bước phát triển, kết cấu hạ tầng được tiếp tục quan tâm đầu tư, từng bước phát huy tác dụng. Hệ thống chính trị ở vùng có đồng bào DTTS sinh sống tiếp tục được củng cố, hoạt động từng bước đi vào nề nếp, cơ bản đảm đương nhiệm vụ được giao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, dân chủ ở cơ sở tiếp tục được thực hiện có hiệu quả hơn. Bà con đồng bào DTTS tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền; sống hoà nhập cộng đồng, sinh hoạt, giao lưu đoàn kết các dân tộc anh em, giữa bào dân tộc với người kinh thân thiện, có tình, có nghĩa.

Thành quả chung là như vậy nhưng nhìn sâu vào thực tế bên trong vẫn còn nhiều điều phải quan tâm trăn trở, nhất là vừa qua tình hình thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của đồng bào. Đầu vụ hè thu do mưa ngắn, nắng hạn kéo dài làm hơn60% diện tích cây hàng năm mỳ, bắp mới xuống giống bị khô chết; giá cả một số mặt hàng phục vụ sản xuất, đặc biệt là phân, thuốc tăng cao làm thêm khó khăn cho đầu tư sản xuất của đồng bào. Một số hộ còn thiếu đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Đa số hộ đồng bào DTTS đều sống dựa vào nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, nguồn vốn tự tích luỹ để tái sản xuất còn ít, phải vay của tư thương với lãi xuất cao, tình trạng nợ từ năm này qua năm khác vẫn diễn ra; một số có đất nhưng sản xuất không hiệu quả, thiếu vốn rất dễ dẫn đến cầm cố, sang nhượng, cho thuê đất khi bị xúi giục. Việc đầu tư cho còn cái học hành có quan tâm nhưng chưa cao. Chất lượng giáo dục, y tế, vùng đồng bào DTTS chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Đời sống tinh thần, các hoạt động văn hóa văn nghệ chưa thực sự phong phú, các hoạt động sáng tạo, thể hiện và hưởng thụ văn hóa trong đồng bào chưa sâu rộng… đã và đang là những trở ngại lớn đòi hỏi các cấp cấp ngành toàn huyện phải tập trung nỗ lực vượt qua.

Tuy nhiên trở ngại lớn nhất hiện nay không phải ở chỗ các cấp ngành của huyện không quyết tâm mà còn ở nhiều yếu tố khách quan khác, trong đó có yếu tố liên quan đến khía cạnh con người. Cấp cơ sở vẫn vướng năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ các thôn xen ghép còn hạn chế, phương thức làm việc thiếu chủ động. Cấp huyện phòng ban và cán bộ làm công tác dân tộc còn thiếu, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác dân tộc trước đây do Phòng Dân tộc - Tôn giáo huyện phụ trách nhưng nay phòng chức năng nay không còn nên việc theo dõi, kiểm tra, tham mưu chỉ đạo thực hiện không tránh khỏi sự bất cập…

Để giải bài toán này thiết nghĩ sẽ cần có thêm thời gian, lộ trình cụ thể. Vì vậy, trước hết trong giai đoạn hiện nay sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn phải thực sự đồng bộ, có tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt cần phải tổ chức điều tra khảo sát tình hình cơ bản ở cơ sở thật triệt để, làm nền tảng xây dựng kế hoạch thực sự phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào DTTS có ý thức vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng ỷ lại trông chờ vào nhà nước, đồng thời gắn với tiếp tục xây dựng và phát triển đoàn viên, hội viên, sử dụng người có uy tín trong đồng bào DTTS. Có kế hoạch định kỳ mở các lớp ngắn hạn nhằm đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho cán bộ làm công tác dân tộc và đội ngũ cán bộ các thôn dân tộc xen ghép để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.

 

Quốc Thái


  • |
  • 791
  • |

Các tin khác