Thầy giáo trẻ truyền phục chữ Chăm

  • /
  • 16.11.2012 - 16:49

Tại trường Tiểu học Tân Thắng 2, thầy giáo trẻ Thông Văn Châu, 30 tuổi, người dân tộc Chăm đã miệt mài truyền dạy từng con chữ Chăm cho các em học sinh đồng bào Chăm thôn Phò Trì, xã Tân Thắng. Thầy là một trong những người hiếm hoi còn lại am tường về chữ Chăm ở thôn đồng bào này. Ngày ngày, với tâm huyết và lòng yêu trẻ, thầy đang dốc hết tâm trí và sức lực để duy trì vốn chữ Chăm cho trẻ em dân tộc thiểu số trong thôn.

giờ học tiếng Chăm của các em DTTS

 Là giáo viên dạy tiếng Chăm duy nhất tại trường tiểu học Tân Thắng 2, đóng chân trên địa bàn thôn Chăm Phò Trì xã Tân Thắng, nhiều năm nay nhờ có thầy Châu dạy cho cái chữ mà các em đồng bào biết đọc, biết viết chữ Chăm, biết cách hành lễ theo truyền thống và góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Chăm ở đây. Nhận thấy, tiếng Chăm là vốn quý của đồng bào mình nên từ lâu thầy giáo trẻ luôn mong muốn được truyền dạy chữ cho trẻ em dân tộc mình. May mắn được tham dự lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng Chăm do tỉnh tổ chức, thầy giáo trẻ được bồi dưỡng một cách căn bản về ngôn ngữ, chữ viết Chăm, giúp thầy có thể truyền đạt, giảng dạy tốt hơn cho học sinh.

Tại trường Tiểu học Tân Thắng 2, việc dạy tiếng mẹ đẻ để tăng cường trí thức phong phú hơn cho học sinh dân tộc thiểu số. Việc học tiếng DTTS còn bồi dưỡng lòng tự hào, nêu cao tính dân tộc trong cộng đồng người Việt. Với cách dạy nhẹ nhàng và tình yêu thương trìu mến, vào mỗi giờ học tiếng Chăm thầy giáo Châu đã mang đến không khí học tập vui tươi, phấn khởi cho các em. Em Lê Trí Triệu – dân tộc Chăm - học sinh lớp 1A trường Tiểu học Tân Thắng 2 tỏ ra thích thú khi được thầy dạy cho nói câu “em rất thích học chữ Chăm” bằng tiếng Chăm. Cô bé cứ mãi học nhẩm câu này cho thật thuộc lòng bởi sợ sẽ quên mất. Em Võ Thị Minh Tụê - người kinh - học sinh lớp 1A của trường cho biết, em rất thích học giờ tiếng Chăm của Thầy Châu bởi thầy dạy rất vui và học tiếng Chăm giúp em nói chuyện được với nhiều bạn trong lớp vì hầu như lớp em toàn là các bạn đồng bào Chăm.

Hạnh phúc vì mình đã truyền được lửa đam mê chữ Chăm cho thế hệ trẻ nhưng có một điều mà thầy giáo Châu canh cánh trăn trở lâu nay là hầu hết bà con dân tộc Chăm trong thôn đều không còn biết con chữ của dân tộc mình. Thầy giáo trẻ ao ước, lớp trẻ học sinh người dân tộc Chăm phải cố gắng học để có thể tự tay viết ra chính con chữ của dân tộc, để chữ Chăm không bị thất truyền mà cần được gìn giữ, lưu truyền tốt nhất trong kho tàng ngôn ngữ học Việt Nam.

 

Minh Tâm 


  • |
  • 764
  • |

Các tin khác