Xây dựng nông thôn mới ở Hàm Tân

  • /
  • 5.4.2012 - 15:59

Huyện Hàm Tân (mới), được chia tách thành lập theo Nghị định 114/2005 /NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ và đi vào hoạt động từ ngày 01/12/2005 với điểm xuất phát về mọi mặt thấp. Tổng diện tích tự nhiên của huyện 73.856 ha; đất đai đồi dốc, bạc màu, sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước trời, thiếu nguồn nước tưới. Dân số của huyện có 72.293 người, hầu hết sống ở nông thôn (chiếm tỷ lệ trên 75%), lao động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 65%; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Huyện có 08 xã và 02 thị trấn, trong đó có 02 xã nghèo gồm: 01 xã thuộc chương trình 135 và 01 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển.

(Đ/c Trịnh Văn Thu - TUV, Bì thư Huyện ủy Hàm Tân cắt băng khánh thành đường GTNT)

Những yếu tố trên làm cho chúng ta dễ nhận biết trong những năm qua Hàm Tân là một huyện còn nhiều khó khăn. Song, cũng chính những yếu tố này giúp cho Hàm Tân có điều kiện giao lưu, phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa; đặc biệt các yếu tố tự nhiên tạo cho Hàm Tân có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh so với một số địa phương khác.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015, xác định mục tiêu: Tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế Nông, lâm, ngư nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ, ra sức huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp - Dịch vụ - Nông, lâm, ngư nghiệp; gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị, mà trước hết là xây dựng tổ chức cơ sở Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, phấn đấu đưa huyện nhà trở thành một huyện có nền kinh tế phát triển khá của tỉnh.

Với mục tiêu như nêu trên, việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới thực sự là rất cần thiết, là tính tất yếu, là điều kiện cần và đủ để phát triển nông thôn một cách toàn diện và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), Chương trình hành động số 20-NQ/TU của Tỉnh ủy (khoá XI) "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Toàn Đảng bộ huyện đã quán triệt sâu sắc, tổ chức triển khai đầy đủ, nghiêm túc những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp đến các cấp, ngành, địa phương.

Đến nay, qua 3 năm triển khai thực hiện mặc dù chưa thống kê đầy đủ, chi tiết và cụ thể kết quả xây dựng nông thôn mới, song đến đâu chúng ta cũng dễ nhận thấy phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa sâu rộng đến từng địa bàn dân cư và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Đặc biệt, qua phong trào đã nổi lên nhiều mô hình huy động sức dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn đạt hiệu quả tốt như ở thôn Cù Mi – xã Tân Thắng, thôn An Vinh – xã Sông Phan, khu phố 6 – thị trấn Tân Nghĩa, khu phố 2 – thị trấn Tân Minh, đóng góp xây dựng 02 trụ sở thôn, khu phố; nâng tổng số toàn huyện lên 51 trụ sở sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 96,2%; có 9.500 hộ đăng ký tham gia xây dựng nông thôn mới, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Có thể thấy, kết quả xây dựng nông thôn mới như là một kết quả cộng hưởng từ việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách; kết quả bước đầu đạt được khá rõ nét, bộ mặt nông thôn của 10 xã, thị trấn khởi sắc, đời sống nhân dân đặc biệt là nông dân được nâng lên đáng kể.

Đối với Tân Đức, xã được chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, Đảng ủy đã lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự đồng lòng, chung sức của các cơ quan, ban, ngành của huyện, sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân xã Tân Đức với nhiều đóng góp to lớn, nhiều công trình, dự án đã và đang đầu tư, nhiều đường giao thông nông thôn được nâng cấp, đến cuối năm 2011 phấn đấu hoàn thành 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hoàn thành quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp; hệ thống hạ tầng điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, dịch vụ bưu chính - viễn thông; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 60% người dân tham gia BHYT; tình hình an ninh, trật tự xã hội ổn định, hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống người dân được nâng cao, trường học, các thiết chế văn hoá từng bước được xây dựng; cơ bản hoàn thành làm nhà ở cho người nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững; phấn đấu 70% thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa... là một trong những điểm sáng của mô hình xây dựng nông thôn mới.

Từ những kinh nghiệm bước đầu về xây dựng nông thôn mới tại Tân Đức, tháng 4/2011 lãnh đạo huyện quyết định chọn thêm xã Thắng Hải làm điểm xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2015 xây dựng đạt 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia. Và đến năm 2020, 100 % xã xây dựng hoàn thành 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia.

Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề cũng hết sức vinh dự và tự hào. Để xây dựng quê hương Hàm Tân ngày càng giàu đẹp, chúng ta - những người đang ngày đêm gắn bó với mảnh đất thân yêu này phải quyết tâm hơn nữa trong thời gian tới cần thực hiện tích cực hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới.

Hai là, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực; phát huy nội lực, tranh thủ thật tốt ngoại lực.

Ba là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Bốn là, xây dựng nông thôn mới phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra./- (Huỳnh Thị Ngọc Quý)


  • |
  • 1778
  • |

Các tin khác