Hàm Tân qua hơn 6 năm thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở xã-thị trấn và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến

  • /
  • 13.7.2012 - 9:34

Hàm Tân là huyện mới thành lập từ tháng 12/2005 theo Nghị định 114 của Chính phủ, gồm 8 xã và 1 thị trấn. Đến tháng 01/2008 xã Thắng Hải được thành lập mới (tách ra từ xã Tân Thắng) đồng thời nâng cấp xã Tân Nghĩa lên thị trấn, hiện nay Hàm Tân có 8 xã và 2 thị trấn. Ngay sau khi chia tách huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục xác định cơ sở xã-thị trấn là địa bàn mà mọi chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước được hiện thực hóa. Từ đó đã tập trung củng cố, tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã-thị trấn nhằm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, từng bước đáp ứng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.

 

Qua hơn 6 năm thực hiện, hệ thống chính trị ở cơ sở xã-thị trấn của huyện không ngừng phát triển, có nhiều chuyển biến tiến bộ, cụ thể:

Cuối 2005, toàn huyện có 5 đảng bộ, 4 chi bộ xã-thị trấn, 51 chi bộ trực thuộc (trong đó chỉ có 30 chi bộ /50 thôn-khu phố, 10 chi bộ trường học) với 371 đảng viên. Đến tháng 6/2012 có 10 đảng bộ xã-thị trấn, 89 chi bộ trực thuộc (trong đó có 52/53 chi bộ thôn-khu phố, 24 chi bộ trường học) với 609 đảng viên, 53/53 thôn-khu phố có đảng viên. Phát triển đảng viên hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đã kết nạp được 473 quần chúng ưu tú vào Đảng. Chất lượng đội ngũ đảng viên, TCCSĐ ngày càng được nâng lên, qua kết quả phân tích chất lượng TCCSĐ và đảng viên hàng năm cho thấy tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng từ 39,9% lên 48%, tỷ lệ đảng viên vi phạm khuyết điểm giảm từ 3,2% xuống còn 1,3%; đã có đảng bộ đạt TSVM, không có yếu kém.

HĐND xã-thị trấn đã phát huy tốt vai trò, chức năng của mình từ việc xây dựng nghị quyết đến việc giám sát thực hiện các Nghị quyết của HĐND; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng được chú trọng và ngày càng có chất lượng hơn. UBND các xã-thị trấn đã từng bước thực hiện có hiệu quả Quy chế làm việc, Quy chế phối hợp công tác với cấp uỷ, HĐND, Mặt trận, các đoàn thể; thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ để giải quyết những vấn đề mới phát sinh, nhạy cảm ở cơ sở. Lề lối làm việc được chấn chỉnh nhiều hơn so với trước đây. Giờ giấc, tác phong làm việc của cán bộ, công chức xã-thị trấn đã có những chuyển biến tiến bộ; chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính ở địa phương khá tốt nhất là thực hiện quy chế phối hợp giữa bộ phận một cửa với các bộ phận chuyên môn trong việc giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. được triển khai đồng bộ từ huyện đến xã-thị trấn đã dần đi vào nề nếp, ổn định, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chất lượng hoạt động của UBND các xã-thị trấn được duy trì ổn định, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu trên giao, 100% xã- thị trấn đạt loại khá trở lên. Từ đó thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt các chương trình: “xây dựng gia đình văn hóa”, “xây dựng thôn-khu phố văn hóa”, phong trào“toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tổ chức tốt các mô hình về phong trào thi đua, tập hợp giác ngộ quần chúng, tăng cường công tác phát triển, quản lý đoàn viên, hội viên, xây dựng thực lực cốt cán chính trị ở cơ sở. Đến tháng 6/2012 có 47.200 đoàn viên, hội viên chiếm 71,13% tổng số người trong độ tuổi, cốt cán chính trị chiếm 3,85% tổng số đoàn viên, hội viên. Làm tốt công tác giám sát và xây dựng chính quyền cơ sở góp phần xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh. Chất lượng hoạt động mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội ở xã-thị trấn từng bước được nâng lên, tỷ lệ đạt xuất sắc (vững mạnh) vượt cao, không có tổ chức yếu kém. 10/10 xã-thị trấn đã xây dựng Quy chế dân chủ cơ sở và thực hiện có hiệu quả theo Pháp lệnh số 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI. 53/53 thôn-khu phố đã xây dựng Quy ước dân chủ được UBND huyện phê duyệt, công nhận. Vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, có 85,2% hộ gia đình đạt GĐVH, 25/53 thôn, khu phố đạt danh hiệu “thôn-khu phố văn hoá”. Thực hiện dân chủ cơ sở ở các xã-thị trấn và các thôn-khu phố đã trở nên phổ biến hơn, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia bàn bạc, quyết định những vấn đề có liên quan đến đời sống của nhân dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền cơ sở vững mạnh.

Xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước. Do đó, huyện đã tập trung củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở xã-thị trấn để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Kết quả đã bố trí được 391 đ/c, trong đó: Cán bộ chuyên trách đã bố trí được 104/110 cán bộ (94,55%), trình độ chuyên môn trung cấp 54,8%, đại học 12,5%; trình độ lý luận chính trị trung cấp 64,42%, cao cấp 2,88%, nữ 23,08%. Công chức chuyên môn đã bố trí 119/132 công chức (90,15%), trình độ chuyên môn trung cấp 80,67%, cao đẳng, đại học 18,49%; trình độ lý luận chính trị trung cấp 26,05%, nữ 42,86%. Cán bộ không chuyên trách đã bố trí 168/208 cán bộ (80,77%) và 38 cán bộ kiêm nhiệm các chức danh Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Tuyên giáo, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, văn thư-thủ quỹ... Trong đó, trình độ chuyên môn trung cấp 34,52%, cao đẳng, đại học 7,74%; trình độ lý luận chính trị trung cấp 17,86%, sơ cấp 13,69%. So với lúc chia tách huyện tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ CMNV trung cấp tăng 25,19%, cao đẳng, đại học tăng 7,48%, lý luận chính trị trung cấp tăng 11,51%; tỷ lệ nữ trong số cán bộ chuyên trách và công chức tăng 21,05%.

Để tăng cường chất lượng cán bộ, công chức xã-thị trấn Huyện uỷ đã chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch cán bộ trên cơ sở đó khẩn trương cho đào tạo đối với số cán bộ trẻ chưa đủ chuẩn về văn hoá, chuyên môn và LLCT theo Nghị quyết 11 của Tỉnh uỷ (khóa X), kết quả đưa đi đào tạo 4040 lượt cán bộ (chuyên môn trung cấp 91 đ/c, đại học 46 đ/c; lý luận chính trị sơ cấp 55 đ/c, trung cấp 98 đ/c; QLNN 114 đ/c) đồng thời cấp ủy xã-thị trấn tạo điều kiện cho hơn 50 cán bộ tự tham gia học tập các lớp đại học mở tại tỉnh; tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, thay thế dần số cán bộ, công chức chưa đủ chuẩn nhưng lớn tuổi, sức khoẻ không đảm bảo. Mặt khác động viên 45 cán bộ, công chức không đủ chuẩn, tự nguyện nghỉ việc đồng thời tăng cường 15 cán bộ huyện có trình độ, năng lực về công tác tại xã-thị trấn (8 đ/c về làm Bí thư, 02 đ/c làm Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND, 02 đ/c Chủ tịch UBND, 01 đ/c Phó Chủ tịch UBND và 02 đ/c công chức Địa chính- Xây dựng).

Tuy nhiên, việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã-thị trấn của huyện có mặt chưa đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do vậy, để tiếp tục thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã-thị trấn trong thời gian đến, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra mục tiêu và một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Mục tiêu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

Phấn đấu đến cuối năm 2015 xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở xã-thị trấn đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới:

1. Về TCCSĐ: Ít nhất 30% đảng bộ xã-thị trấn, 50% chi bộ trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh, không có yếu kém; trên 80% trường học có chi bộ. Đến năm 2020, 100% trường học có chi bộ.

2. Về đảng viên: Trên 70% hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó ít nhất 10% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hạn chế thấp nhất đảng viên vi phạm tư cách; 100% xã-thị trấn có đảng viên ở trạm y tế.

3. Về hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội: Trên 80% đạt vững mạnh, không có yếu kém.

4. Về đổi mới và nâng cao hiệu lực của HĐND và UBND: Trong nhiệm kỳ tới phấn đấu 100% Thường trực HĐND và Thành viên UBND có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên, trong đó đại học trên 50%; 90% trung cấp LLCT trở lên; 100% được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước.

5. Xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở đủ chuẩn, có năng lực lãnh đạo toàn diện. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 80% cán bộ chuyên trách và công chức đạt chuẩn theo tinh thần Nghị quyết 11 của Tỉnh uỷ. Đến năm 2020: 80% cán bộ chủ chốt, công chức có bằng đại học chuyên môn nghiệp vụ.

Nhiệm vụ, giải pháp

1. Các cấp uỷ xã-thị trấn rà soát các mục tiêu, nội dung chưa đạt, chỉ rõ nguyên nhân của khuyết điểm, hạn chế để đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện.

2. Tiếp tục thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trong đó tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Quy định 47 của Trung ương Đảng (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm, đẩy mạnh công tác tác phòng chống tham nhũng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp uỷ viên, trước hết là bí thư cấp uỷ ở cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, có trí tuệ, thật sự tiên phong gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3. Rà soát, bổ sung và thực hiện có hiệu quả quy chế làm việc, quy chế phối hợp của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể. Tiếp tục phát huy dân chủ, vai trò của mặt trận, các đoàn thể. Cấp uỷ cần có nội dung và hình thức phù hợp tạo điều kiện cho các đoàn thể phát huy dân chủ tham gia đóng góp xây dựng Đảng.

4. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở; hoàn thiện mô hình các loại hình TCCSĐ gắn với lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội; nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề nảy sinh bức xúc ở cơ sở nhất là lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, tôn giáo... Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt của chi bộ theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật gắn với việc thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XI); khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt, đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của TCCSĐ.

5. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên nhất là trên địa bàn dân cư, ngành y tế và trường học để xoá chi bộ ghép, chi bộ thiếu đảng viên phải điều đảng viên nơi khác đến và các trường học chưa có đảng viên, chưa có chi bộ.

6. Thường xuyên củng cố hoạt động, điều hành, quản lý của HĐND và UBND, tập trung chỉ đạo chính quyền giải quyết dứt điểm một số vấn đề nổi cộm trên một số lĩnh vực. Tiếp tục củng cố tổ chức gắn với thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

7. Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, nhất là đánh giá, quy hoạch, đào tạo; bố trí cán bộ theo hướng trẻ hoá, luân chuyển cán bộ. Kiên quyết thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất đạo đức, lối sống; không hoàn thành nhiệm vụ, không có khả năng đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện trẻ hoá và chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế thừa cho các nhiệm kỳ tiếp theo trước mắt tập trung cho công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020 và nhân sự bầu cử HĐND, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

8. Tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, đưa ra khỏi đảng những người không đủ tư cách đảng viên. Phát huy quyền làm chủ, quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên.

9. Tiếp tục giáo dục cán bộ, công chức thực hiện tốt phong cách “trọng dân, gần dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. (Thanh Trường)




 

 


  • |
  • 940
  • |

Các tin khác