HỎI ĐÁP LIÊN QUAN THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP

  • /
  • 31.5.2012 - 13:33

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010. Tuy nhiên đến nay, cụ thể thực hiện như thế nào vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng. Để góp phần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Luật Thuế này về quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, đăng ký, khai, tính, nộp thuế, miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; xin giới thiệu hỏi đáp liên quan dùng cho đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị-xã hội và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

1.Hỏi: Xin cho biết đôi điều về Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp Nhà nước ta mới ban hành?

Đáp: Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012; thay thế Pháp lệnh Thuế nhà, đất năm 1992 và Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thuế nhà, đất năm 1994. Luật này gồm 4 chương, 13 điều, quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; đăng ký, khai, tính và nộp thuế; miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

2. Hỏi: Vì sao phải ban hành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ?

Đáp: Chính sách thuế nhà, đất đang thực hiện theo Pháp lệnh thuế nhà, đất ngày 31/7/1992 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thuế nhà, đất ngày 19/5/1994. Sau hơn 15 năm thực hiện, Pháp lệnh thuế nhà, đất cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành Pháp lệnh, cụ thể là: góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất ở, đất xây dựng công trình, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm phù hợp với Luật đất đai 1993; thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các đối tượng cần được hỗ trợ, gia đình chính sách, người có công; động viên sự đóng góp của người sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được như nêu trên, Pháp lệnh thuế nhà, đất đã bộc lộ một số hạn chế cần được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế của chính sách thuế nhà, đất hiện hành, hoàn thiện, nâng cao tính pháp lý và góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, việc Quốc hội ban hành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tế và xu hướng phát triển.

3. Hỏi: Xin cho biết về phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp?

Đáp: Phạm vi điều chỉnh của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định về: đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; đăng ký, khai, tính và nộp thuế; miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

4. Hỏi: Xin cho biết đối tượng chịu thuế của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gồm những loại đất nào?

Đáp: Theo quy định tại Điều 2 của Luật thì những loại đất sau sẽ phải chịu thuế đất phi nông nghiệp gồm:

- Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; và đất phi nông nghiệp quy định tại điều 3 của luật này sử dụng vào mục đích kinh doanh.

5. Hỏi: Như vậy, tất cả các loại đất phi nông nghiệp đều phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, có phải không?

Đáp: Căn cứ quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Luật quy định rất rõ về các loại đất phải chịu thuế và các loại đất không phải chịu thuế. Do đó, không phải tất cả các loại đất phi nông nghiệp đều phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

6. Hỏi: Vậy những loại đất phi nông nghiệp nào thì không phải chịu thuế?

Đáp: Đó là các loại đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh

7. Hỏi: Đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh gồm những loại đất nào?

Đáp: Điều 3 của Luật quy định các loại đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh gồm những loại đất sau:

- Đất sử dụng vào mục đích công cộng bao gồm: đất giao thông, thuỷ lợi; đất xây dựng công trình văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ;

- Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;

- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;

- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

- Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;

- Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

- Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

8. Hỏi: Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định căn cứ tính thuế như thế nào?

Đáp: Chiếu theo Điều 5 của Luật thì thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì việc tính được thực hiện trên 02 căn cứ là giá tính thuế và thuế suất. Trong đó:

- Giá tính thuế được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá của 1m2 đất.

- Thuế suất: là biểu thuế do Nhà nước quy định đối với từng loại đất (đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp…).

9. Hỏi: Xin cho hỏi diện tích đất tính thuế là gì?

Đáp: Diện tích đất tính thuế chính là diện tích đất thực tế sử dụng. Trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở thì diện tích này là tổng diện tích của các thửa đất tính thuế. Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng khu công nghiệp thì diện tích đất tính thuế không bao gồm diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung.

10. Hỏi: Xin cho biết giá đất tính thuế được quy định ra sao?

Đáp: Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật thì giá của 1m2 đất là giá đất theo mục đích sử dụng do UBND tỉnh (TP trực thuộc TW) và được ổn định theo chu kỳ 5 năm , kể từ ngày 01/01/2012 (ngày Luật có hiệu lực thi hành).

11. Hỏi: Thuế suất đối với đất ở được quy định thế nào?

Đáp: Tham chiếu quy định tại Điều 7 của Luật, thì thuế suất đối với đất ở (kể cả đất ở sử dụng để kinh doanh) phụ thuộc vào diện tích đất tính thuế trong hoặc vượt hạn mức theo quy định của UBND tỉnh, cụ thể:

- Nếu diện tích đất tính thuế trong hạn mức thì thuế suất là 0,03%.

- Nếu diện tích đất tính thuế vượt không quá 03 lần hạn mức thì thuế suất là 0,07%; còn vượt trên 03 lần hạn mức thì thuế suất là 0,15%.

- Đất ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư, công trình xây dựng dưới mặt đất áp dụng mức thuế suất 0,03%.

- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp áp dụng mức thuế suất 0,03%.

- Đất phi nông nghiệp thuộc diện không chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật nếu sử dụng vào mục đích kinh doanh áp dụng mức thuế suất 0,03%.

12. Hỏi: Luật có quy định gì mới về hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế không?

Đáp: Kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế phải là hạn mức giao đất ở mới của UBND tỉnh. Nếu đã có quy định hạn mức đất ở trước ngày Luật có hiệu lực mà thấp hơn hạn mức mới thì áp dụng hạn mức mới để làm căn cứ tính thuế; còn nếu cao hơn hạn mức mới thì áp dụng hạn mức cũ để làm căn cứ tính thuế.

13. Hỏi: Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh nhưng nay lại sử dụng vào mục đích này thì áp dụng mức thuế suất nào?

Đáp: Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh nhưng nay lại sử dụng vào mục đích kinh doanh sẽ phải chịu mức thuế suất là 0,03%.

14. Hỏi: Sử dụng đất lấn, chiếm có phải nộp thuế hay không?

Đáp: Việc sử dụng đất lấn, chiếm phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp áp dụng mức thuế suất 0,2% và không áp dụng hạn mức. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm.

15. Hỏi: Người nộp thuế phải đến cơ quan nào để đăng ký, khai và nộp thuế?

Đáp: Người nộp thuế phải đến cơ quan Thuế của huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có quyền sử dụng đất để đăng ký, khai, tính và nộp thuế theo quy định.

Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình, Luật quy định người nộp thuế có thể thực hiện việc đăng ký, khai, tính và nộp thuế tại UBND xã.

16. Hỏi: Xin cho biết Việc nộp thuế đối với người có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở được quy định ra sao?

Đáp: Người đó phải nộp thuế cho tất cả các thửa đất ở trong phạm vi tỉnh và phải đăng ký, khai, tính và nộp thuế tại cơ quan thuế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có quyền sử dụng đất đó. Họ được lựa chọn hạn mức đất ở tại một huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có quyền sử dụng đất (nếu có một hoặc nhiều thửa đất ở vượt hạn mức thì họ được lựa chọn một nơi có thửa đất ở vượt hạn mức để xác định diện tích vượt hạn mức của các thửa đất); còn giá tính thuế được áp dụng theo giá đất của từng huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tại nơi có thửa đất đó.

Người nộp thuế lập tờ khai tổng hợp theo mẫu quy định để xác định tổng diện tích các thửa đất ở có quyền sử dụng và số thuế đã nộp, gửi cơ quan thuế nơi họ đã lựa chọn để xác định hạn mức đất ở và để nộp phần chênh lệch giữa số thuế đã nộp và số thuế phải nộp theo quy định của Luật.

17. Hỏi: Đất ở tại những địa bàn còn khó khăn về kinh tế, xã hội có được miễn, giảm thuế sử dụng đất không?

Đáp: Nếu đất ở đó trong hạn mức thì được giảm 50% số thuế phải nộp đối với đất ở tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và được miễn hoàn toàn đối với đất ở tại những địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

18. Hỏi: Việc miễn, giảm thuế đối với đất ở trong hạn mức của những người có công với cách mạng, hộ nghèo được quy định ra sao?

Đáp: Nhà nước quy định miễn hoàn toàn thuế sử dụng đối với đất ở trong hạn mức của người hoạt động cách mạng trước ngày 19-8-1945; thương binh hạng 1/4, 2/4 và người hưởng chính sách như họ; bệnh binh hạng 1/3; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ; vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ được hưởng trợ cấp hằng tháng; người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; người bị nhiễm chất độc da cam mà hoàn cảnh gia đình khó khăn; hộ nghèo theo quy định của Chính phủ.

Còn đối với đất ở trong hạn mức của thương binh hạng 3/4, 4/4 và người hưởng chính sách như thương binh hạng 3/4, 4/4; bệnh binh hạng 2/3, 3/3; con của liệt sĩ không được hưởng trợ cấp hằng tháng đều được giảm 50% thuế sử dụng đất.

19. Hỏi: Trong trường hợp nào thì đất của doanh nghiệp sử dụng lao động là thương binh, bệnh binh được miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp?

Đáp: Theo Luật, đất của doanh nghiệp có trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh sẽ được miễn thuế sử dụng đất; đất của doanh nghiệp có từ 20 - 50% số lao động là thương binh, bệnh binh sẽ được giảm 50% thuế sử dụng đất.

20. Hỏi: Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng gây thiệt hại về đất và nhà trên đất được miễn, giảm thuế như thế nào?

Đáp: Trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng gây thiệt hại về đất và nhà trên đất, nếu giá trị thiệt hại của người đó từ 20 - 50% giá tính thuế thì được giảm 50% số thuế phải nộp; còn nếu bị thiệt hại trên 50% giá tính thuế thì được miễn thuế. (Tổng hợp và giới thiệu: Quang Sơn-Quốc Thái)


  • |
  • 3837
  • |

Các tin khác