Hàm Tân củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở

  • /
  • 30.7.2012 - 14:44

Thực hiện Nghị định 114/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên Bộ 11/2005/TTLB-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, thực trạng ngành Y tế huyện sau chia tách có nhiều biến động, điều kiện về cơ sở vật chất cho đến đội ngũ cán bộ y tế từ huyện đến xã còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Xác định tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn và đổi mới quy chế hoạt động. Các ban, ngành, đoàn thể tham gia, phối hợp lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông - giáo dục sức khỏe, huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thân thể gắn với “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Mạng lưới y tế ngày càng phát triển và từng bước nâng cao về chất lượng. Tổng số giường bệnh tại bệnh viện đa khoa huyện năm 2006 là 50 giường ở tại cơ sở tạm, năm 2009 UBND tỉnh đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa huyện quy mô 100 giường với tổng số tiền đầu tư hơn 60 tỉ đồng, dự kiến đến tháng 9 năm 2012 đưa vào sử dụng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phương tiện làm việc được quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Công tác điều trị có nhiều chuyển biến tốt, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh có nhiều tiến bộ, chất lượng điều trị, phục vụ người bệnh được nâng cao; nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến được ứng dụng thành công đã góp phần quan trọng vào công tác điều trị bệnh nhân như triển khai các xét nghiệm cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán nhanh, chính xác, các kỹ thuật mỗ chỉnh hình xương, phẫu thuật...

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện, mạng lưới y tế xã, thị trấn luôn được quan tâm thành lập, củng cố, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc. Năm 2006 sau khi thành lập huyện, Hàm Tân có 08 Trạm y tế xã và 01 Phòng khám khu vực Tân Minh; UBND tỉnh, huyện đã đầu tư gần 06 tỷ đồng xây mới 06 Trạm y tế, đầu tư gần 02 tỷ đồng sửa chữa 03 trạm y tế và Phòng khám khu vực Tân Minh, đến nay mạng lưới y tế cơ sở đã được xây dựng, kiện toàn trên tất cả các địa bàn của huyện, đã có 10 Trạm y tế/10 đơn vị xã, thị trấn được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp, có đủ trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt tiêu chuẩn Quốc gia về y tế xã năm 2010, có 01 Phòng khám khu vực nằm ở thị trấn Tân Minh và 01 Phân trạm y tế thôn Suối Giêng, xã Tân Đức; đến nay đã có 100% (10/10) xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã (tăng 08 trạm so với năm 2005).

Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Y tế ngày càng tăng về số lượng, trình độ chuyên môn từng bước được nâng lên. Năm 2006, ngành Y tế huyện có 90 cán bộ, công chức, viên chức trong đó có 12 bác sĩ (chỉ có 01 bác sĩ sau đại học). Đến nay, đã tăng lên 217 người, có 20 bác sĩ (05 bác sĩ sau đại học), có 5/10 Trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 03 xã có bác sĩ tăng cường tham gia khám chữa bệnh theo đề án 1816; 100% Trạm y tế có nữ hộ sinh, dược sĩ trung học. Đội ngũ nhân viên y tế thôn có 53 người (tăng 23 người so với năm 2005), có 10 chuyên trách dân số ở 10 xã, thị trấn, có 124 cộng tác viên dân số hoạt động lồng ghép, phối hợp thực hiện chức năng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng.

Cùng với chủ trương đưa bác sỹ về tuyến y tế xã, thị trấn và triển khai mở rộng khám BHYT xuống tận xã, thị trấn đã làm cho hoạt động y tế đi vào nề nếp hơn (100% Trạm y tế xã, thị trấn đều được triển khai khám BHYT); nội dung và phương thức hoạt động đã có nhiều chuyển biến, chất lượng phòng và chữa bệnh ngày càng được nâng cao, thu hút nhiều bệnh nhân đến trạm điều trị đem lại niềm tin cho nhân dân, giảm lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.

Công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện các Chương trình mục tiêu y tế quốc gia được đẩy mạnh triển khai, nhất là ở tuyến y tế cơ sở. Trong những năm qua, ngành Y tế của huyện đã có nhiều cố gắng, chủ động đẩy mạnh công tác phòng, chống kịp thời các loại dịch, bệnh; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; từng bước cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh y tế trường học; quản lý, chăm sóc tốt các bệnh xã hội, HIV/AIDS... Nhận thức của nhân dân về tiêm chủng phòng bệnh được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm hàng năm đạt trên 99%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được uống vitamin A hàng năm đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm từ 18% năm 2005 xuống còn 12% năm 2011. Công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, nhất là chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ tốt hơn trước; tỷ lệ tử vong và tai biến sản khoa giảm rõ rệt.Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm chủng vacxin phòng bệnh uốn ván bình quân hàng năm đạt trên 85%. Công tác phòng chống các bệnh xã hội luôn được quan tâm triển khai thực hiện, 100% người dân sử dụng muối iod để phòng bệnh bướu cổ. Hoạt động tư vấn, truyền thông phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng được triển khai ở 10/10 xã, thị trấn. Trong 06 năm qua, Bệnh viện huyện đã khám cho 383.485 lượt người, điều trị nội trú cho 27.000 lượt bệnh nhân; trong đó chú trọng các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; tổ chức thu dung điều trị các bệnh nặng và triển khai phẫu thuật tại chỗ; số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên 5,5% giảm 4,5 % so với chỉ tiêu, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm thực hiện đạt trên 90% kế hoạch.

Bên cạnh các phương pháp khám chữa bệnh hiện đại bằng tây y, nhiều bài thuốc và phương pháp đông y cũng được đưa vào điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã đem lại kết quả tốt đối với một số bệnh cấp tính và mãn tính thường gặp. Bệnh viện huyện có triển khai công tác khám chữa bệnh bằng đông y lồng ghép vào khoa Nội - Nhi - Nhiễm - Đông y, Trạm y tế xã, thị trấn có phân công cán bộ phụ trách công tác đông y và có Tổ chẩn trị Đông y hoạt động tại trạm. Hội Đông y huyện có 86 hội viên, thường xuyên triển khai công tác khám chữa bệnh bằng thuốc nam và kết hợp đông - tây y trong khám chữa bệnh, hàng năm tổ chức khám chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền cho khoảng trên 60.000 lượt người, mang lại kết quả tốt trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt xã hội hóa về y tế địa phương.

Công tác truyền thông giáo dục tuyên truyền về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và trẻ em ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện, phong phú về hình thức, hấp dẫn về nội dung, huy động được đông đảo lực lượng tham gia, quy mô gia đình ít con ngày càng được nhiều người chấp nhận. Đến nay, huyện đã tổ chức được 05 câu lạc bộ không sinh con thứ 3 với 1.200 hội viên, 03 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc với 290 hội viên, 05 cụm dân cư không sinh con thứ 3; tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt trên 89%, góp phần làm giảm tỷ lệ tăng.Dân số tự nhiên của huyện từ 1,15% năm 2005 xuống khoảng 0,85% năm 2011, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 giảm từ 25,6% năm 2006 xuống 15,5% năm 2011.

Công tác xã hội hoá về y tế có sự chuyển biến tích cực. Sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể ngày càng nhiều; đặc biệt là sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội, từ thiện đã góp phần đắc lực trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

Hữu Dũng


  • |
  • 1030
  • |

Các tin khác