Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở Hàm Tân hiện nay

  • /
  • 22.7.2013 - 15:47

Xác định công tác tuyên truyền miệng có vị trí vai trò và tầm quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, là một trong những nhiệm vụ của công tác tư tưởng của Đảng. Chính vì vậy để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và Kế hoạch số 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng”.

         Từ sau Đại hội Đảng bộ huyện (khóa IX), Hàm Tân đã củng cố và tinh gọn đội ngũ báo cáo viên của huyện gồm 15 đồng chí. Đội ngũ báo cáo viên của huyện là những đồng chí có phẩm chất chính trị tốt, có nghiệp vụ chuyên môn trên từng lĩnh vực; trong hoạt động của mình đã phát huy được thế mạnh, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ công tác tư tưởng, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa Đảng và nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

Tuy vậy, từ thực tiễn hoạt động của đội ngũ báo cáo viên ở Hàm Tân, so sánh kết quả hoạt động với những yêu cầu đặt ra trong hoạt động của báo cáo viên, có thể thấy được những hạn chế như sau:

            - Một số cấp uỷ nhận thức chưa đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng nói chung và hoạt động BCV, tuyên truyền viên nói riêng, dẫn đến chưa quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố, bồi dưỡng nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động tuyên truyền miệng cũng như hoạt động BCV, tuyên truyền viên.

            - Báo cáo viên, tuyên truyền viên truyền tải thông tin tới cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số cơ sở thiếu kịp thời, nội dung tuyên truyền có lúc chuẩn bị chưa toàn diện, phương thức hoạt động vẫn nặng một chiều từ trên xuống, chưa chú trọng đến đối thoại.

Những hạn chế nêu trên là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên và công tác tuyên truyền ở huyện Hàm Tân cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

            Thứ nhất, Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền miệng, hoạt động BCV, tuyên truyền viên. Đồng chí bí thư cấp uỷ phải là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng và là BCV, tuyên truyền viên chủ lực ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Ban Tuyên giáo cấp ủy cần tăng cường vai trò và trách nhiệm tham mưu trong việc giúp cấp uỷ đảng xây dựng, tổ chức quản lý và điều hành hoạt động BCV, tuyên truyền viên cơ sở; thường xuyên và kịp thời cung cấp thông tin cho đảng viên và BCV để tất cả đảng viên có thể tiến hành tuyên truyền miệng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng.

Thứ hai, đa dạng hoá phương thức hoạt động BCV, tuyên truyền viên cơ sở theo hướng đẩy mạnh thông tin hai chiều, dân chủ hoá và tăng cường đối thoại. Coi trọng cả hai khâu: báo cáo và truyền đạt với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ hiểu, đồng thời dành nhiều thời gian để nghe phản ánh tình hình, thắc mắc, trả lời và đối thoại trực tiếp với người nghe.

Thứ ba, cần khơi dậy và phát huy tính tự giác, trung thực, tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc học tập Nghị quyết của Đảng. Mỗi đồng chí cần chủ động, có ý thức tìm tòi, nghiên cứu thêm những nội dung liên quan để hỗ trợ cho việc tiếp thu Nghị quyết.

Thứ tư, tổ chức biên soạn tài liệu, chương trình để mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác tuyên truyền miệng, nhất là bồi dưỡng về kỹ năng nghiên cứu xây dựng đề cương bài nói và thực hành nói. Hàng năm, tổ chức sơ kết, trao đổi kinh nghiệm, mở hội nghị BCV, tuyên truyền viên giỏi ở các cấp; có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời, phấn đấu để ngày càng có nhiều BCV, tuyên truyền viên truyền đạt có sức thuyết phục, hiệu quả đối với các đối tượng người nghe.

 

Kim Huệ


  • |
  • 1123
  • |

Các tin khác