Thơ ca Việt Nam theo chân Bác trong cuộc ra đi tìm đường cứu nước đến khi Người trở về Tổ quốc thân yêu. Cảm xúc về cuộc hành trình của vị lãnh tụ được nhà thơ Chế Lan Viên diễn tả thật xúc động:
Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.
Đó là hành trình của một con người lớn lao đi tìm đường cứu nước cho dân tộc. Trên hành trình gian nan vất vả ấy, Người đã đến với Lê-nin. Giờ phút tiếp nhận Luận cương của Lê-nin là một giờ phút trọng đại.
Luận cương đến với Bác Hồ và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi".
Hình ảnh của Bác lồng trong hình đất nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười
Cảm xúc của Bác lắng đọng trong từng câu chữ của Chế Lan Viên và hình ảnh Bác trong "Người đi tìm hình của nước" thật vĩ đại, là ước vọng của tự do, độc lập của cả các dân tộc khắp năm châu.
Không chỉ thế, hình ảnh Bác với tình thương bao la của mình là đề tài chủ yếu của thơ ca Việt Nam. Tình thương của Bác thể hiện thật sâu sắc qua bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" của nhà thơ Minh Huệ:
Rồi Bác đi dén chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng
Tình thương của Bác thể hiện ở nhiều cung bậc khi là sự "nóng ruột" bồn chồn không ngủ được vì lo cho bộ đội, dân công, khi lại thao thức năm canh vì lo vận mệnh của đất nước. Đặc biệt tình cảm Bác dành cho đồng bào Miền Nam thật sâu nặng nghĩa tình. Tố Hữu cho ta cảm nhận được điều đó qua bài thơ "Bác ơi":
Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha
Quả là tình cảm gắn bó máu thịt thiết tha. Tiếc thay đến ngày nước nhà thống nhất thì Bác đã không còn. Người ra đi vĩnh viễn nhưng vẫn để lại muôn vàn tình thương. Tình thương ấy rõ nét nhất với thiếu niên nhi đồng:
Ôi! vẫn còn đây của các em
Chồng thư mới mở Bác đang xem
Chắc Người thương lắm lòng con trẻ
Nên để bâng khuâng gió động rèm
Không những thế ta còn cảm nhận qua các bài thơ về Bác nhiều phong cách Hồ Chí Minh rất gần gũi, đặc biệt. Người còn là con người giản dị thanh đạm.
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn
Thêm nữa ta thấy ở Người một bản lĩnh phi thường, một phẩm chất cao quý có sự hòa hợp giữa chất thép và chất tình. Dẫu hoàn cảnh tù đày nhưng Người luôn kiên cường, bất khuất, giữa chốn đọa đày đau khổ nhưng vẫn yêu thiên nhiên:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
Người đã ra đi nhưng thơ ca Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam vẫn nhắc mãi tên Người:
Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên Người - Hồ Chí Minh
Như một niềm tin, như dũng khí
Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh
Quả như vậy, hình ảnh Bác Hồ là hình của nước, là biểu tượng để muôn thế hệ sau vẫn ngợi ca tự hào, vẫn mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho mảnh đất văn chương nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ thi sĩ.
Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao Bác Hồ
Bác Hồ là vị cha chung
Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái Dương
Cùng đọc những vần thơ viết về Người, trái tim ta không khỏi bồi hồi, xúc động. Và càng ý nghĩa hơn trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 129 của Người. Tên Người đã trở thành nguồn thơ, biểu tượng cho sự trường tồn, bất tử, hòa vào núi sông đất nước, tư tưởng của Người đã trở thành niềm tin, chân lý cho các thế hệ con người Việt Nam hôm nay và mai sau.