Trong mười năm thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Cùng với Quyết định số 1853-QĐ/BTGTWW của Ban Tuyên giáo Trung ương, ban hành Quy chế Giảng dạy và học tập của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Từ đó, hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện có nhiều điều kiện thuận lợi, giúp Ban Thường vụ Huyện ủy đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; triển khai, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức, kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của huyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tổ chức cơ sở đảng. Kết quả 10 năm thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW của Ban Bí thư, Trung tâm đã phối hợp với Đảng ủy các xã, thị trấn, Đảng ủy khối, Chi ủy cơ quan, đơn vị trực thuộc, các trường THPT, các ban, ngành đoàn thể trên địa bàn rà soát mở được 379 lớp đào tạo, bồi dưỡng LLCT, chuyên môn, nghiệp vụ cho 36.390 lượt cán bộ, đảng viên cấp huyện và cấp cơ sở.
Đ/c Nguyễn Thắng – UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tặng giấy khen cho các đồng chí có thành tích tốt trong học tập lớp Bồi dưỡng Nhận thức về Đảng (khóa III) năm 2019
*Các chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn, quy định.
Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng và Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, việc học tập các chương trình này đã giúp cho học viên hiểu nội dung cơ bản, cốt lõi về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng Việt Nam; về nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, về nhiệm vụ và phương pháp công tác của người đảng viên. Trên cơ sở đó, từng đảng viên mới xây dựng kế hoạch phấn đấu rèn luyện để trở thành đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chương trình bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở đã giúp các đồng chí bí thư chi bộ và cấp ủy viên nắm kiến thức nghiệp vụ cơ bản, phục vụ cho công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng ở cơ sở.
Đối với Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo cơ sở, các trung tâm triển khai đạt hiệu quả, bổ sung hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ hoặc chuyên đề giới thiệu cách làm hay, bài học kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tuyên giáo.
Chương trình sơ cấp lý luận chính trị đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ chính trị của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, việc thực hiện các chương trình theo chuyên đề, chương trìnhbồi dưỡng cán bộ mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở giúp học viên nâng cao nghiệp vụ, hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rèn luyện kỹ năng vận động quần chúng, hiểu được những thuận lợi và khó khăn của đất nước, của địa phương và những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần phải thực hiện ở cơ sở. Từ đó, tăng cường tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp công tác, năng động và sáng tạo hơn trong tổ chức, động viên phong trào của hội viên trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất: đối với người học; phải tự giác, chủ động và sáng tạo trong học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ. Học lý luận và biết cách vận dụng trong thực tiễn và thực tế công tác của mình. Bác Hồ đã dạy người học phải biết “tự nguyện, tự giác, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong học tập. Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì, phải đặt câu hỏi “vì sao?” đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”.
Thứ hai: đối với đội ngũ làm công tác giảng dạy và đội ngũ giáo viên kiêm chức; thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về nội dung công tác giáo dục lý luận chính trị theo từng chương trình bồi dưỡng, đào tạo, theo hướng gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, tạo hiệu quả thiết thực, giải đáp được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn; gắn chặt với những nhiệm vụ cụ thể mà Đảng và Nhà nước đang giải quyết. Trong quá trình giáo dục lý luận chính trị, cần kết hợp việc nâng cao nhận thức lý luận với bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và kết hợp nhuần nhuyễn trong tích cực học tập, nỗ lực làm theo tấm gương, đạo đức của Bác. Trong giảng dạy, cần chuẩn bị kỹ nội dung giảng bài, tham khảo tài liệu, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan. Có giáo án lên lớp, chú trọng phân bổ thời gian hợp lý khi triển khai nội dung giảng dạy phần lý luận và liên hệ thực tiễn; chú trọng giảng lý thuyết với liên hệ thực tiễn địa phương, tuy nhiên cũng tránh phần liên hệ thực tiễn nhiều hơn giảng các kiến thức về lý luận. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm.
Thứ ba: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới...”; triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy. Xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm chức có chất lượng, kinh nghiệm, tâm huyết với nghề nghiệp, có phương pháp giảng dạy phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên có kế hoạch tổ chức dự giờ giảng viên góp ý kiến, phân tích đưa ra phương pháp giảng dạy với từng bài giảng. Chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ học viên từ khâu chọn cử đi học đến kết thúc khóa học; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng sau đào tạo, đảm bảo hiệu quả và thiết thực. Tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp trên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho công tác giảng dạy lý luận chính trị của trung tâm.