Kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Phát triển hợp tác xã bền vững, góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết và quản lý một cách dân chủ, minh bạch, góp phần phát triển lực lượng sản xuất, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của hợp tác xã, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 có ít nhất 70% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; trẻ hóa đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, ít nhất có 50% cán bộ quản lý hợp tác xã dưới 50 tuổi và có trình độ từ trung cấp trở lên; 100% hợp tác xã hoạt động đúng Luật Hợp tác xã năm 2012, không có hợp tác xã tồn tại hình thức; rà soát, củng cố và thành lập mới các hợp tác xã phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X), Chương trình hành động số 26/2003/QĐ-UBBT của UBND tỉnh; Huyện ủy Hàm Tân đã xây dựng Chương trình hành động số 13-NQ/HU và ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để triển khai thực hiện; đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt cho cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể và tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về những quy định, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể và Luật Hợp tác xã năm 2003.

          Từ khi chia tách trên địa bàn huyện có 16 tổ hợp tác, 07 hợp tác xã, 01 Qũy tín dụng nhân dân Tân Xuân đang hoạt động, không có hợp tác xã giải thể. Tổng số thành viên Hợp tác xã trên địa bàn huyện là 697 thành viên. Trong các Hợp tác xã đang hoạt động có Qũy tín dụng nhân dân Tân Xuân hoạt động hiệu quả giúp người dân thiếu vốn sản xuất được vay vốn, phát triển kinh tế hộ gia đình.

          Nhìn chung, qua học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể được nâng lên. Mô hình hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn huyện bước đầu được hình thành, dần thay thế những mô hình hợp tác xã kiểu cũ. Đã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phát huy những lợi thế của địa phương, áp dụng những điểm mới của Luật Hợp tác xã năm 2012 để nâng cao nội lực. Các Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những giải pháp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận các dự án, nguồn vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất; bước đầu đã liên kết với các doanh nghiệp tin cậy để thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Quỹ tín dụng nhân dân Tân Xuân hoạt động khá hiệu quả, luôn giữ tỷ lệ vốn tín dụng an toàn, hoạt động không vượt mức cho phép. Cơ cấu cho vay tập trung theo hướng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

          Tuy nhiên, vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế đó là: Việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ở các cấp, các ngành tuy đã được quan tâm nhưng công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên, chưa kịp thời đề ra giải pháp xử lý những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới đối với hợp tác xã đang hoạt động. Việc phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã theo các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 13-NQ/TW chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; các hợp tác xã phát triển chậm, thiếu vững chắc, chưa đồng đều giữa các địa phương. Nhiều yếu kém của kinh tế tập thể chưa được khắc phục có hiệu quả. Các chính sách khuyến khích ưu đãi đối với hợp tác xã chưa được triển khai và áp dụng đầy đủ vì các Hợp tác xã không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Phần lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn góp của thành viên là vốn danh nghĩa; việc huy động tăng phần vốn góp của thành viên rất khó khăn, năng lực cạnh tranh kém, hiệu quả thấp. Các tổ hợp tác chưa có kế hoạch, phương án hoạt động cụ thể nên thường bị động trong việc thực hiện các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; đa số thành viên tổ hợp tác trình độ quản lý và năng lực điều hành còn hạn chế, thiếu chuyên môn nghiệp vụ, quản lý và hoạt động theo kinh nghiệm là chính, chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của tập thể. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đa phần các tổ hợp tác vẫn còn hoạt động đơn điệu, việc mở rộng thêm các mô hình sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Phương án sản xuất, kinh doanh chưa mang tính khả thi, quản lý tài chính ở nhiều hợp tác xã chưa được minh bạch, chưa được hạch toán theo quy định của Bộ Tài chính.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX); cấp ủy, chính quyền huyện cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau: 1. Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể; trong đó, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW, Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 213-KH/TU, ngày 29/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 17-KH/HU, ngày 05/11/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương, tỉnh, huyện về phát triển kinh tế tập thể. 2. Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trong đó, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể bền vững nhưng phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và điều kiện cụ thể của huyện, đồng thời đảm bảo phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, tự vươn lên của tổ chức kinh tế tập thể, tránh sự ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tổ chức nghiên cứu, học tập và nhân rộng mô hình hợp tác xã mới phù hợp, hiệu quả; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp xây dựng mô hình liên kết doanh nghiệp, khuyến khích hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. 3. Hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước; trong đó, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể. Quan tâm phát triển các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức tham mưu công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. 4. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác; trong đó, tổ chức củng cố hoạt động của các hợp tác xã theo đúng bản chất của Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn; kiên quyết giải thể các hợp tác xã tồn tại hình thức, ngừng hoạt động trong thời gian dài. Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể như thành lập mới, đào tạo, tập huấn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng, thành viên hợp tác xã; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên lồng ghép các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể…5. Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Đảng; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân; trong đó, các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể phải đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương để tổ chức thực hiện.


Các tin khác