Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ ở huyện Hàm Tân

  • /
  • 8.4.2013 - 9:12

Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm làm rõ những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc và các phong trào đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Qua đó tổng kết thực tiễn lịch sử, nêu bật những thắng lợi, những thành tựu của cách mạng và cả những sai lầm, khuyết điểm; làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam. Giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, trong những năm qua Huyện ủy luôn giành sự quan tâm chú trọng và chỉ đạo sâu sát nhiệm vụ này. Nhất là từ khi có Chỉ thị 37-CT/TU, ngày 01/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp”. Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tổ chức học tập, quán triệt chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống. Năm 1993, Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Tân (cũ) đã biên soạn và xuất bản công trình lịch sử“Hàm Tân – 45 năm lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng (1930 – 1975)”, đến 2002 tiếp tục biên soạn thời kỳ xây dựng và phát triển từ sau ngày Hàm Tân được giải phóng (23/4/1975), đồng thời bổ sung, chỉnh sửa những thiếu sót ở phần nội dung lịch sử giai đoạn 1930 – 1975.

Sau khi có Chỉ thị 37-CT/TU của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Tân phối hợp với Ban Thường vụ Thị ủy Lagi tiếp tục biên soạn và in ấn, xuất bản tập “Lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Tân (1930-2005)”, với yêu cầu: bổ sung nội dung tập lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Tân đã xuất bản năm 1993, biên soạn mới giai đoạn 1975 - 2005 tức thời kỳ xây dựng và phát triển - để trở thành một tập lịch sử của địa phương xuyên suốt các thời kỳ từ 1930 đến 2005 (thời điểm huyện Hàm Tân chia tách và thành lập huyện mới).


 

Tập Lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Tân (1930-1975) xuất bản năm 1993

và (1930-2005) xuất bản năm 2008

Công trình “Lịch sử Đảng bộ Huyện Hàm Tân (1930 – 2005)” được biên soạn và chính thức phát hành là thành quả của quá trình lao động miệt mài và đầy tâm huyết của tập thể lãnh đạo, các ngành, các cấp cũng như những người nghiên cứu, những nhân chứng lịch sử đương thời. Trước hết là để ghi nhớ công ơn các thế hệ đi trước cũng như sự cống hiến đáng trân trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân huyện Hàm Tân qua các thời kỳ, sau là giới thiệu với cán bộ, đảng viên và nhân dân về toàn cảnh quá trình mở đất, các phong trào yêu nước đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xây dựng phát triển. Từ đó khơi dậy niềm tự hào nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm cho thế hệ hôm nay và mai sau; cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về quá trình đấu tranh cách mạng của quân và dân Hàm Tân; tái hiện diễn biến các sự kiện, phong trào quần chúng tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần vào hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Sau tập sách lịch sử Đảng bộ huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo việc nghiên cứu, biên soạn và cho in ấn, xuất bản 2 công trình lịch sử cấp xã, gồm: “Xã Tân Xuân - Những chặng đường lịch sử” (1945-2005) và “Tân Thắng - Truyền thống cách mạng (1945-2010) xã Tân Thắng và xã Thắng Hải cùng phối hợp biên soạnĐây là 2 tập lịch sử truyền thống cách mạng cấp xã đầu tiên trên địa bàn huyện được biên soạn, xuất bản sau khi huyện được thành lập mới đến nay. Hiện nay, huyện còn 7 xã, thị trấn chưa biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, trong đó 5 xã, thị trấn mới chia tách đó là thị trấn Tân Minh, Tân Nghĩa, Sông Phan, Tân Đức, Tân Phúc; 02 xã Tân Hà, Sơn Mỹ là những vùng đất mới hình thành năm 1973 - 1974 nên chưa đủ điều kiện để biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng địa phương.


 

Tập Lịch sử Đảng bộ xã Tân Xuân, xuất bản năm 2011

và xã Tân Thắng, xuất bản năm 2012

Nhìn chung, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU của Tỉnh ủy, nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng được nâng lên rõ rệt. Các cấp ủy địa phương hết sức chú trọng, quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, biên soạn được thuận lợi. Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn địa phương cũng đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp tham gia cung cấp tư liệu, ủng hộ về kinh phí để việc biên soạn, xuất bản được thuận lợi.

Cùng với những kết quả đạt được của việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện trong những năm qua, việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ cũng được các đơn vị, địa phương quan tâm chú trọng bằng những hình thức phong phú, thiết thực trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên như thi viết tìm hiểu về lịch sử Đảng CSVN, lịch sử Đảng bộ địa phương; tổ chức họp mặt, tọa đàm, nghe nói chuyện truyền thống giữa Cựu Chiến binh với các thể hệ trẻ; thông qua các lớp học tập, bồi dưỡng chính trị tại Trung tâm BDCT huyện các đồng chí báo cáo viên, giảng viên của huyện đã dành 01 buổi để giới thiệu, giáo dục truyền thống Lịch sử Đảng bộ huyện cho đối tượng người học...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương còn có mặt hạn chế, khó khăn: việc lưu trữ hình ảnh, tư liệu chưa được quan tâm, nên trong quá trình biên soạn gặp nhiều khó khăn trong việc sưu tầm tư liệu lịch sử; việc tổ chức tọa đàm, hội thảo nhiều nơi đối tượng tham gia chưa đầy đủ, trong hội thảo còn một số nội dung không rõ ràng nhưng thiếu căn cứ để kết luận, những hạn chế này phần nào đã làm giảm giá trị chất lượng của ấn phẩm lịch sử. Tiến độ biên soạn lịch sử Đảng bộ cấp xã vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguồn kinh phí và các điều kiện phục vụ cho nghiên cứu, biên soạn còn khó khăn nhất là đối với cấp xã. Công tác thẩm định về chuyên môn chưa có quy trình các bước cụ thể để thống nhất trong việc biên soạn, thẩm định, xin giấy phép xuất bản; việc lãnh, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan chức năng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Sau khi các ấn phẩm lịch sử của địa phương được phát hành, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống chưa được quan tâm chỉ đạo (nhất là đối với cấp xã)

Từ những mặt hạn chế, khó khăn trên, trong những năm đến, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn huyện cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Các cấp ủy Đảng cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp, để có sự nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương. Tăng cường việc chỉ đạo, triển khai tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và lâu dài có ý nghĩa quan trọng nhằm ghi lại chặng đường dài lịch sử vẻ vang của địa phương gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần tự lực, tự cường trong cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy sáng kiến, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư cho lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng quê hương, địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp./-

Anh Long


  • |
  • 1059
  • |

Các tin khác