Chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy (18/10/1930 - 18/10/2021)

Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từ ngày 14 - 31/10/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ Nhất đã họp, thông qua Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, cử Ban Chấp hành Trung ương chính thức và quyết định lập các cơ quan giúp việc; dựa trên các cứ liệu lịch sử, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) quyết định lấy ngày 18/10/1930 là Ngày truyền thống Văn phòng Trung ương, đồng thời là ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy. Trải qua quá trình xây dựng phấn đấu và trưởng thành, 91 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Văn phòng cấp uỷ song hành cùng với quá trình phát triển của đất nước. Trong 91 năm qua nhiều thế hệ cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác văn phòng cấp uỷ đã phấn đấu, hy sinh, lao động sáng tạo, vượt qua biết bao hiểm nguy, khó khăn gian khổ, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Lịch sử hình thành và phát triển của Văn phòng cấp uỷ trải qua 05 thời kỳ gắn liền với công tác tham mưu giúp việc cho Đảng Cộng sản Việt Nam cụ thể như sau:

Thời kỳ từ khi Đảng ta ra đời cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công (1930-1945). Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt nam ra đời đánh dấu móc son chói lọi cho sự phát triển của Cách mạng Việt Nam. Từ năm 1930 đến năm 1945, tổ chức Văn phòng cấp uỷ chưa hình thành, mặc dù đã có những Nghị quyết của Đảng về thành lập các bộ (Bộ tuyên truyền cổ động, Bộ tổ chức kiêm giao thông, Bộ công nhân vận động...). Tuy vậy, có một số chức năng thuộc văn phòng đã được thực hiện trong suốt quá trình hoạt động bí mật của Đảng, như: tổ chức công tác giao thông, liên lạc, hoạt động tài chính gây quỹ cho Đảng, đưa đón bảo vệ cán bộ, đánh máy, in phát tài liệu... Các hoạt động văn phòng trong thời gian đấu tranh giành chính quyền đã góp phần vào việc giữ mối liên hệ giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương với các cấp uỷ Đảng; khôi phục hệ thống của các cấp uỷ và nhất là góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954): Trước tình hình vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc” thù trong giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt, tài chính kiệt quệ, Đảng ta quyết định rút vào hoạt động bí mật; công tác văn phòng cũng chuyển sang một giai đoạn mới, từ năm 1945 đến khi thành lập Văn phòng Trung ương Đảng, công tác văn phòng ở Trung ương chủ yếu do Đội công tác làm, mà thực chất là công tác hành chính - quản trị; đến tháng 4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt dầu về An toàn khu, tháng 10/1947 tổ nghiên cứu thuộc Văn phòng Tổng Bí thư được thành lập làm nhiệm vụ giúp theo dõi tình hình, truyền đạt ý kiến chỉ đạo trả lời các công văn giấy tờ gửi đến. Chánh Văn phòng từ khi mới thành lập là đồng chí Trần Quang Huy và giúp việc có các đồng chí như Nguyễn Hữu Chỉnh, Thép Mới. Từ tháng 5 năm 1947 đến năm 1954 văn phòng Trung ương đã trải qua một vài lần kiện toàn tổ chức, ngày càng xác định rõ hơn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình; trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên ngày càng tiến bộ đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo với chức năng tham mưu, phục vụ phù hợp với tình hình mới của cuộc kháng chiến. Giai đoạn này, Văn phòng Trung ương Đảng đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo, cho cơ quan, giữ gìn bí mật cho Đảng. Cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng. Toàn thể cán bộ, nhân viên văn phòng tự hào chính đáng là đã góp sức mình vào sự nghiệp cao cả đó của Đảng và dân tộc.

Thời kỳ từ 1954 - 1975, Cách mạng việt nam trong thời kỳ này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở Miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta vừa bắt tay khôi phục kinh tế vừa chiến đấu vừa sản xuất lần lượt đánh tan các chiến lược chiến tranh của Mỹ. Đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 lịch sử, đất nước trọn niềm vui, Nam - Bắc sum họp. Trong 21 năm làm nhiệm vụ phục vụ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, văn phòng Trung ương Đảng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu tổ chức bộ máy bám sát nhiệm vụ, cần cù chịu khó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cán bộ, đảng viên công tác tại văn phòng đã được rèn luyện trong chiến đấu và lao động, có lập trường tư tưởng vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng và dân tộc, có tinh thần trách nhiệm cao nên trong bất kỳ tình huống nào đều hoàn thành xuất sắc công việc. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ 1954 - 1975 có phần đóng góp xứng đáng của Văn phòng Trung ương Đảng.

Thời kỳ từ 1975 - 1986: Sau ngày giải phóng đặc biệt từ năm 1978 trở đi đất nước lại rơi vào những khó khăn mới và những diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, quan hệ đối ngoại. Đặt ra nhiều vấn đề khẩn trương cấp bách và quan trọng, Văn phòng Trung ương Đảng với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, tư duy sáng tạo... đã có nhiều cố gắng trong việc giúp cơ quan lãnh đạo bố trí công việc, thông tin tổng hợp tình hình kịp thời và có những kiến nghị đúng đắn về nội dung một số vấn đề lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng. Từ năm 1979, sau khi thôi đảm nhiệm công tác tài chính-quản trị của Đảng, thực hiện Quyết định số 76 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Trung ương Đảng trong tình hình mới, Văn phòng Trung ương Đảng đã tập trung xây dựng nhiều quy chế, quy định, quy trình công tác, sắp xếp lại tổ chức, tăng cường cán bộ để nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ Trung ương. Công tác huấn luyện nghiệp vụ văn phòng cho cán bộ văn phòng cấp uỷ tỉnh, thành phố, quận, huyện cũng được đẩy mạnh và thực hiện liên tục, có hiệu quả. Với những việc làm trên từ 1975 đến 1986 Văn phòng Trung ương đã góp phần xứng đáng vào chuyển biến chung về đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng; phục vụ có hiệu quả vào thắng lợi to lớn của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới toàn diện

Thời kỳ từ 1987 đến nay: Là một thời kỳ lịch sử đặc biệt của Đảng ta, đánh dấu bước ngoặc phát triển quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta. Liên Xô và các nước Đông âu tan rã, hệ thống Chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới có nguy cơ sụp đổ. Trong nước chính sách kinh tế thời kỳ bao cấp kéo lùi sự phát triển của đất nước. Dưới ngọn gió đổi mới của Đại hội VI đã mở ra một thời kỳ mới phát triển thịnh vượng, đẩy lùi đói nghèo đưa đất nước tiến lên Công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng chế độ XHCN Việt Nam.

Suốt chiều dài lịch sử 91 năm qua, Văn phòng có nhiều đóng góp giúp Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân vượt qua hiểm nghèo, kiên trì đường lối đổi mới, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ giúp cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là giúp Ban Bí thư tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, đồng thời là một trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo. Văn phòng còn là bộ phận chuẩn bị phục vụ các kỳ Đại hội của Đảng.

(Hình: Văn phòng Huyện ủy Hàm Tân tổ chức họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy vào năm 2020)

Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy (18/10/1930 - 18/10/2021) là dịp để mỗi cán bộ, công chức đang công tác trong văn phòng cấp ủy nói chung, Văn phòng Huyện ủy Hàm Tân nói riêng cùng nhìn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của ngành văn phòng cấp ủy; tự soi vào yêu cầu chung và chiêm nghiệm những việc đã làm, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu tự hoàn thiện bản thân, góp phần nâng cao khả năng tham mưu, phục vụ và chất lượng, hiệu quả công tác, đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần xây dựng quê hương Hàm Tân ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Các tin khác