Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: 5 năm nhìn lại

  • /
  • 23.7.2013 - 11:25

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một chủ trương lớn của Đảng; xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cũng như trong thực hiện 02 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước; trong đó nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt với 03 mục tiêu chung: (1) Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; (2) Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; (3) Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.

Công trình Hồ chứa nước Sông Dinh 3.

               Đối với Hàm Tân là huyện thuần nông còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, phân tán, nằm trong vùng khô hạn, đất đai bạc màu, sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước trời, công trình thủy lợi còn ít, nhiều vùng độ dốc khá lớn; công nghệ, cơ sở hạ tầng còn bất cập, nhân lực đa số chưa qua đào tạo, trình độ kỹ năng tay nghề thấp... thì việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Nghị quyết 26 đòi hỏi phải có sự tập trung, sự quyết tâm cao độ. Do đó, sau khi tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 26-NQ/TW gắn với phát động phong trào thi đua Chung sức chung lòng xây dựng Nông thôn mới, với việc xác định đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng có tính lâu dài về mối quan hệ gắn bó hữu cơ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các cấp ủy, chính quyền tập trung công tác lãnh đạo chỉ đạo Mặt trận, đoàn thể thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động theo quan điểm, chủ trương của Đảng. Qua 5 năm thực hiện, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện đã phát triển khá toàn diện; các tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy sáng tạo và tính cần cù của nông dân.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển khá, ngày càng được cơ giới hóa, việc áp dụng khoa học kỹ thuật ngày càng rộng rãi, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4,54%/năm; cơ cấu sản xuất nội bộ ngành nông nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực: Tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 28,64% lên 33%; ngành trồng trọt giảm từ 65,86% xuống 62,50%; tỷ trọng giá trị khai thác rừng trồng tăng từ 79,47% lên 80,16%; giá trị khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng từ 71,40% lên 71,55%. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp-TTCN, ngành nghề, dịch vụ; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 67,37% xuống 66,64%; tỷ trọng thương mại-dịch vụ tăng từ 15,89% lên 16,15%; tỷ trọng công nghiệp -TNCN và xây dựng tăng từ 10,82% lên 10,83%. Giá trị sản xuất kinh tế hộ năm 2012 chiếm 66,16% tổng giá trị sản xuất toàn huyện; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được chú ý đầu tư, kiên cố hóa 450m kênh mương chính, xây dựng công trình Hồ chứa nước Sông Dinh 3, công trình Đập dâng Sông Phan; xây mới, sửa chữa nâng cấp 93,5 km đường giao thông nông thôn; làm mới 03 cầu bê tông chiều dài 130 mét, 72 cống thoát nước, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,89% (16.724 hộ), so với năm 2008 tăng 13,76% (14.721 hộ); đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 04 chợ nông thôn, vận động đóng góp xây dựng, sửa chữa 1.120 căn nhà cho đối tượng chính sách, người khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 21,2% năm 2005 giảm còn 4,9% năm 2010 (theo chuẩn cũ), nay còn 11,7% năm 2012,. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần cư dân vùng nông thôn được cải thiện; nhiều vùng nông thôn thay đổi theo hướng văn minh, giàu đẹp, xoá đói giảm nghèo đạt kết quả khả quan. Văn hoá, xã hội nông thôn có nhiều chuyển biến tiến bộ (năm 2012 có 14.621 hộ đạt 86,75% số hộ được công nhận GĐVH so với số hộ đăng ký, so với năm 2008 tăng 2.721 hộ, tăng 10,55%; 25/53 thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa, so với năm 2008 tăng 10 đơn vị); dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, niềm tin của nhân dân nói chung và nông dân nói riêng với Đảng, chính quyền được củng cố.

Tuy nhiên, trước tình hình khủng hoảng của nền kinh tế thế giới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội thì việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cũng sẽ khó khăn. Do đó, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được qua 5 năm, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện cần: (1) Có sự định hướng, đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề ra; (2) Có những giải pháp phù hợp đặc điểm của huyện với xu thế phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới sẽ thu hẹp dần chiều rộng (về số lượng) giảm diện tích đất nông nghiệp, giảm lao động nông nghiệp do yếu tố phát triển mở rộng công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa; nhưng tăng dần chất lượng, sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, công nghiệp, dịch vụ; giá trị và chất lượng sản phẩm nông lâm nghiệp tăng nhờ ứng dụng ngày càng nhiều các tiến bộ khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất; (3) Huy động và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tăng cường các biện pháp thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; (4) Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế nông thôn, tăng cường tranh thủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất, ứng dụng kịp thời tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước chuyển biến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người lao động; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nông thôn ngày càng văn minh hiện đại. Cụ thể:

- Về nông nghiệp, tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, kịp thời rà soát, bổ sung cho phù hợp theo từng giai đoạn. Quan tâm củng cố, xây dựng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chú ý xây dựng phát triển các hình thức kinh tế tập thể.

- Về nông dân, tập trung cho công tác giáo dục tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở những vùng nông thôn khó khăn, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, không còn nhà tạm bợ dột nát.

- Về nông thôn, khuyến khích đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề nông thôn và các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trước hết cần ưu tiên các mục tiêu: nước, đường giao thông, điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn ngày càng vững mạnh đủ sức đảm đương nhiệm vụ./-

(Ngọc Quý)


  • |
  • 894
  • |

Các tin khác