Phát huy truyền thống của người phụ nữ Chăm theo chế độ mẫu hệ, với vai trò “đầu tàu” trong công tác Hội phụ nữ, chị Hạnh luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là đối với công tác đào tạo nghề cho con em đồng bào. Và nhờ phương án giảm nghèo dựa vào công tác dạy nghề mà chị Hạnh đang đeo đuổi mà cộng đồng người Chăm cơ bản đã thực hiện được hướng giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo. Cũng từ đây, nhận thức của bà con đồng bào về sự nghiệp giáo dục cho con em cũng được chú trọng. Bên cạnh đó, chị Hạnh còn lập tổ vay vốn từ ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp, lập tổ vay vốn xoay vòng để hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế.
Người phụ nữ Chăm tận tụy với công việc
Một chương trình cũng rất ý nghĩa mà chị Hạnh cùng với Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã duy trì trong nhiều năm qua là vận động hội viên tham gia xây dựng “Hũ gạo tình thương” để giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn. Ngoài ra, trong phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”, bên cạnh việc kêu gọi các cán bộ, hội viên phụ nữ đóng góp kinh phí, ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chị Hạnh đã vận động các chị em tham gia “Đoạn đường phụ nữ tự quản” với các hoạt động: tổ chức quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải để tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Với những việc làm tích cực của chị, tại xã Tân Thắng, chị Hạnh được đánh giá là cán bộ người Chăm tận tụy
Bằng sự nhiệt huyết, cống hiến của mình trong công tác hội phụ nữ, chị Hạnh đã góp phần đáng kể cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp cho các chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn Phò Trì có cuộc sống ngày một no đủ, hạnh phúc. Với những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, chị Hạnh đã được Đảng ủy xã, Hội phụ nữ các cấp khen thưởng. Chị xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác để các hội viên phụ nữ khác noi theo.