Hàm Tân là huyện thuần nông, dân cư hầu hết sống ở nông thôn chiếm tỷ lệ trên 75%, lao động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 65% do đó đời sống của bà con nông dân phụ thuộc nhiều vào tình hình giá cả vật tư, nông sản, thời tiết, năng suất sản xuất... Trong những năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trên địa bàn huyện chưa có nhiều đổi mới nhất là biện pháp sản xuất, giống cây trồng dẫn đến năng suất sản xuất thấp, giá trị kinh tế không cao. Bên cạnh đó, sự bất ổn về tình hình kinh tế trong thời gian gần đây càng ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, vấn đề cần quan tâm là làm sao cải thiện được cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế, giúp ổn định cuộc sống; góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện nhà, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), Chương trình hành động số 20-NQ/TU của Tỉnh uỷ (khoá XI) "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đạt hiệu quả.
Từ những lí do nêu trên, ngành nông nghiệp của huyện luôn tuyên truyền, cố gắng tạo điều kiện, hỗ trợ giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất trong đó có sự đóng góp rất lớn của Trạm khuyến nông huyện trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp như thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ Biogas trong chăn nuôi tại xã Tân Hà, mô hình trồng chanh không hạt tại xã Thắng Hải, trồng nấm sò trên nguyên liệu mùn cưa, rơm rạ, bã mía... Đáng chú ý năm 2011, công tác khuyến nông đã có nhiều nổ lực, xây dựng được những mô hình mang tính tổng hợp, tập trung, đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội - môi trường và đạt nhiều kết quả phấn khởi. Trong năm, tổ chức 58 lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ và hội thảo đầu bờ cho bà con nông dân; thực hiện chương trình khuyến nông của huyện phối hợp với Hội đồng khoa học huyện, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư của tỉnh, tiến hành triển khai thực hiện nhiều mô hình thiết thực, bước đầu đem lại hiệu quả khả quan như mô hình sử dụng nấm Trichoderma xử lý rác thải, rơm rạ, thân cây bắp, bã mía... làm phân bón hữu cơ nhằm cải tạo đất; mô hình xã hội hoá giống lúa; mô hình trình diễn giống khoai mì KM140; nuôi gà an toàn sinh học;... tất cả các mô hình trên đều đã được tổng kết nghiệm thu đánh giá hiệu quả trên 95% và được nông dân trong huyện áp dụng, nhân rộng. Hiện nay, đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có xu hướng bị “sa mạc hoá” do nông dân trồng mì nhiều năm liên tiếp, đất đai cằn cỗi, bạc màu mà không có biện pháp cải tạo đất thì mô hình sử dụng Trichoderma trong quá trình sản xuất phân hữu cơ nhằm cải tạo đất nhận được nhiều sự quan tâm của bà con nông dân; bên cạnh đó việc đưa giống mì mới KM140 vào sản xuất cũng có thể giải quyết một phần nguyên nhân bệnh “chổi rồng” đang xảy ra ở cây mì trên diện rộng hiện nay.
Ngọc Quý