Đến nay hầu hết các hộ đồng bào DTTS đều có tư liệu sản xuất, ổn định được cuộc sống, đã xóa được hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo ngày càng giảm. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS được đầu tư hoàn thiện hơn. Sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo tốt hơn. Đơn cử toàn huyện có 05/10 xã có học sinh DTTS thì cả 10/10 xã, thị trấn đề quan tâm xây dựng đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 01 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; 6/10 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi. Số sinh viên đại học đạt 2,5/ 1.000 dân, số sinh viên cao đẳng đạt 05/ 1.000 dân, số học viên trung cấp nghề đạt 02/ 1.000 dân thuộc vùng đồng bào DTTS của huyện. Tỷ lệ lao động người DTTS đã qua đào tạo đạt khoảng 8%. Các chủ trương, chính sách ưu đãi của nhà nước về giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kể cả việc tổ chức dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh DTTS (dạy tiếng Chăm cho học sinh lớp 1, 2 tại trường Tiểu học Tân Thắng 2),xây dựng góc thư viện tiếngDTTS qua hình ảnh…
Trên lĩnh vực y tế, liên tục những năm qua 10/10 xã, thị trấn đều đạt chuẩn quốc gia, 100% thôn, khu phố có cán bộ y tế và cộng tác viên y tế. Riêng thị trấn Tân Minh có Phòng Khám đa khoa khu vực và thôn Suối Giêng (xã Tân Đức) có Phân Trạm Y tế. Đến tháng 6/2013, tỷ lệ người DTTS tham gia các hình thức BHYT có 2.278 người, đạt 67,8%. Bên cạnh đó đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS luôn được quan tâm. Hàng năm, các đơn vị chức năng của huyện đều tích cực phối hợp với các đội thông tin lưu động, các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật như chiếu phim, ca múa nhạc… phục vụ nhân dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng. Một số nét văn hóa của đồng bào DTTS được khôi phục, giữ gìn, như mã la của đồng bào Rai (Tân Hà), bắn nỏ của đồng bào Chăm (Tân Thắng), lễ hội Kỳ Yên hàng năm của đồng bào Chăm. Ý thức tự giác xây dựng đời sống văn hóa của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên, tỉ lệ đăng ký và đạt chuẩn gia đình văn hóa hàng năm có xu hướng tăng (Năm 2011 có 683/805 hộ đạt gia đình văn hóa, tỷ lệ 84,8%; Năm 2012 có 723/852 hộ đạt gia đình văn hóa, tỷ lệ 84,8%; Năm 2013 có 942 hộ đăng ký đạt gia đình văn hóa, tỷ lệ 99,5%). Hiện nay có 06 thôn vùng đồng bào DTTS sinh sống đã có nhà văn hóa thôn... Công táctuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các biện pháp bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp được triển khai thường xuyên. Đến nay tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn Quốc gia đạt 83%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 30,91%; tỷ lệ xã, thị trấn có nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch chung 10/10, trong đó có 01 nghĩa trang riêng của người Chăm tại thôn Phò Trì, xã Tân Thắng. 10/ 10 xã, thị trấn có chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
Riêng công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS, huyện đã tranh thủ nhiều nguồn vốn cùng với việc triển khai các chính sách xóa đói giảm nghèo như: tín dụng ưu đãi hộ nghèo, khuyến nông - khuyến lâm, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp bảo hiểm y tế cho người nghèo... góp phần tạo điều kiện cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, ổn định và từng bước nâng cao mức sống. Đến nay, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 7.000.000đ/người/năm, mức lương thực bình quân đầu người đạt 500kg/người/năm. Số lượng và tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS có chiều hướng giảm (năm 2012 có 458 hộ nghèo/ 911 hộ, chiếm 50%; năm 2013 giảm còn 425 hộ nghèo/ 946 hộ, chiếm 44,93%) so với tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện là 11,72%. Trong 02 năm (2011-2012), các cấp các ngành đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho 51 hộ DTTS nghèo/ 765 triệu đồng. Năm 2013, huyện tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng 04 căn nhà cho hộ DTTS thuộc diện nghèo...
Có thể nói việc quan tâm phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế vùng đồng bào DTTS của huyện theo Kết luận số 123-KL/TU và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy thời gian qua đã góp phần làm cho bộ mặt vùng đồng bào DTTS thêm phần khởi sắc. Đặc biệt là sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo tốt hơn, góp phần làm cho đời sống của đồng bào DTTS tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Bà con đồng bào DTTS tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền; sống hoà nhập cộng đồng, sinh hoạt, giao lưu đoàn kết các dân tộc anh em, giữa bào dân tộc với người kinh thân thiện, có tình, có nghĩa. Những kết quả đạt được là rất cơ bản, tạo điều kiện để huyện tiếp tục thúc đẩy phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của huyện trong những năm tới./.
Quốc Thái