Kết quả bước đầu triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội” trên địa bàn huyện Hàm Tân

  • /
  • 12.9.2013 - 15:18

Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nói chung và nhiệm vụ công tác Tuyên giáo nói riêng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Ngày 22/8/2012 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 669-QĐ/TU về việc ban hành Đề án “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội của ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận”. Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn huyện, nhận thức của các cấp ủy đảng, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội được nâng cao và có sự quan tâm hơn.

Để thực hiện Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy kế hoạch về tăng cường cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội; thành lập Tổ cộng tác viên Dư luận xã hội cấp huyện, gồm 21 đồng chí được cơ cấu hợp lý từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và địa phương; đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của cộng tác viên DLXH. Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã từng bước tổ chức, kiện toàn và xây dựng mạng lưới nắm bắt dư luận xã hội; đã chủ động, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy tiến hành củng cố, bổ sung và thành lập Ban Tuyên giáo cấp ủy các xã, thị trấn trong huyện, hiện nay 10/10 xã, thị trấn có Ban Tuyên giáo với 58 đồng chí, Mặt trận – đoàn thể huyện đều phân công 01 đồng chí phụ trách công tác tuyên giáo. Thời gian qua đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở đã góp phần không nhỏ trong việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và công tác điều hành, quản lý của chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; chủ động, phối hợp và từng bước giải quyết kịp thời, hợp lý những đề xuất, kiến nghị bức xúc, chính đáng của nhân dân; tích cực trong việc đấu tranh ngăn ngừa, hạn chế những phần tử lợi dụng vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo để đòi yêu sách, làm những việc sai trái. Đồng thời chấn chỉnh, uốn nắn những sai lầm, lệch lạc về tư tưởng chính trị, sự thoái hoá về phẩm chất, đạo đức, lối sống trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức.

Ngoài việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội thông qua các đợt điều tra, gửi phiếu thăm dò DLXH, Ban Tuyên giáo Huyện ủy cũng đã tăng cường nắm bắt DLXH thông qua hệ thống tuyên giáo cơ sở; các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận - đoàn thể huyện; qua hệ thống thông tin, tuyên truyền của huyện, đặc biệt là tổ chức Hội nghị giao ban DLXH định kỳ 01 quý/lần. Trên cơ sở đó, tổng hợp phản ánh tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội; đề xuất, kiến nghị chuyển các ngành, các cấp liên quan xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên quan tâm chú trọng đến đội ngũ báo cáo viên của huyện, thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, cũng đã góp phần tích cực và có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng và xã hội.

Tuy đã đạt được những kết quả như trên, song công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới: Đội ngũ cán bộ làm công tác dư luận xã hội của huyện vừa mới được hình thành, do đó việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng và dư luận chủ yếu thông qua các cấp ủy, ban, ngành, Mặt trận – đoàn thể huyện và đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo ở cơ sở. Trình độ chuyên môn và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ Tuyên giáo cơ sở còn nhiều hạn chế, đa số cán bộ làm công tác Tuyên giáo ở cơ sở được đào tạo từ nhiều chuyên môn khác nhau, hầu như không phù hợp với công tác dư luận xã hội (tâm lý học, xã hội học...). Do đó, tính năng động, kinh nghiệm, phương pháp và hiệu quả hoạt động chưa cao, việc nắm bắt dư luận xã hội chưa thực sự nhạy bén, chưa đi sâu tìm hiểu nắm bắt, nguyên nhân các luồng ý kiến khác nhau, dẫn đến thông tin đôi lúc còn phiến diện, một chiều, từ đó chưa có sự phân tích, đề xuất hướng xử lý dư luận một cách kịp thời và có hiệu quả.

Từ yêu cầu thực tế và trong tình hình hiện nay, các cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH, đưa hoạt động nghiên cứu, nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và của mỗi cán bộ, đảng viên. Từng bước nâng cao chất lượng của các buổi giao ban; trong giao ban, đảm bảo chế độ thông tin hai chiều, một mặt tiếp thu có chọn lọc những thông tin của cán bộ, cộng tác viên; mặt khác, cung cấp cho những người làm công tác tư tưởng, cộng tác viên cập nhật về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ trương, kế hoạch của cấp ủy để giúp họ dễ dàng hơn trong việc phân tích, tổng hợp, định hướng dư luận.

Anh Long


  • |
  • 982
  • |

Các tin khác