Đảng ta đã xác định về kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm:
* Kiểm tra tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm.
- Ngày 06-3-1956, Bộ Chính trị có Nghị quyết 04, trong đó có xác định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm tra Trung ương là: "Thường xuyên kiểm tra các đảng bộ, các cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng, các cơ quan chính quyền, trong các đoàn thể nhân dân và các cấp bộ đảng ở địa phương về những việc mà cấp uỷ đảng và đảng viên thuộc những tổ chức đó chống lại hoặc làm sai Điều lệ và kỷ luật của Đảng".
- Điều lệ Đảng từ Đại hội III đến Đaị hội V của Đảng chỉ quy định kiểm tra đảng viên làm trái hoặc vi phạm, không quy định kiểm tra tổ chức đảng có vi phạm hoặc làm trái.
- Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, xuất phát từ yêu cầu của tình hình xây dựng và phát triển của Đảng trong thời kỳ đổi mới; trước tác động tiêu cực của tình trạng vi phạm trong Đảng ngày càng gia tăng, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, đã quy định uỷ ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ: "Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc tổ chức của Đảng".
Từ đây, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm là một nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp và thường xuyên của các cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp.
Từ thực tiễn việc thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra từ nhiệm kỳ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đến nay cũng đã khẳng định, việc quy định và giao nhiệm vụ cho uỷ ban kiểm tra các cấp kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm là phù hợp với yêu cầu của công tác xây dựng và sự phát triển của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới.
* Kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
- Ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Ban kiểm tra Trung ương, tuy chưa nêu cụ thể về kiểm tra đảng viên, nhưng có nhiệm vụ điều tra và báo cáo cho Trung ương những việc như: Đường lối chỉ đạo của Trung ương có đúng và sát không? việc thi hành nghị quyết, chỉ thị của Trung ương trong toàn Đảng như thế nào? những việc bất thường xảy ra ở các cấp, các ngành; tình hình cán bộ ở các cấp thế nào?
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng quy định: Nhiệm vụ Ban Kiểm tra "Xem xét tư cách và cách làm việc của các đảng viên, chống nạn quan liêu, hủ hoá, lạm dụng chức vụ...".
- Đại hội III của Đảng quy định (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng trở đi tên ban kiểm tra được gọi là uỷ ban kiểm tra): Nhiệm vụ uỷ ban kiểm tra “Kiểm tra những vụ đảng viên làm trái Điều lệ, kỷ luật của Đảng, trái với đạo đức cách mạng và pháp luật của Nhà nước...".
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng quy định: "Kiểm tra những vụ đảng viên (kể cả cấp uỷ viên) vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước...".
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng quy định: "Kiểm tra những vụ đảng viên (kể cả cấp uỷ viên cùng cấp) vi phạm Điều lệ Đảng, nhằm vào những vụ vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước, tư cách đảng viên...".
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng quy định: "Kiểm tra đảng viên (kể cả cấp uỷ viên cùng cấp) chấp hành Điều lệ Đảng, nhằm vào việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, chấp hành kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước, tư cách đảng viên".
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng quy định: "Kiểm tra đảng viên (kể cả cấp uỷ viên cùng cấp) chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của đảng viên".
- Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đến Đại hội lần thứ XI của Đảng quy định: "Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp uỷ viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp uỷ viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên".
Kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ của tổ chức đảng có thẩm quyền, trước hết là của chi bộ, cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp nhằm xem xét, kết luận đảng viên có hoặc không có vi phạm; là một nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp và thường xuyên của cấp uỷ các cấp và luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của uỷ ban kiểm tra các cấp.
Như vậy, từ khi Ban Kiểm tra Trung ương (sau này là uỷ ban kiểm tra) được thành lập đến nay, đều có nhiệm vụ điều tra, xem xét hoặc kiểm tra đảng viên. Nhiệm vụ của uỷ ban kiểm tra các cấp về kiểm tra đảng viên luôn được Đảng ta bổ sung, sửa đổi để đáp ứng với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Từ Đại hội VIII của Đảng đến nay, Đảng ta sửa đổi nhiệm vụ của uỷ ban kiểm tra các cấp là kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Quy định này có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, khi thực hiện kiểm tra đảng viên chấp hành "dễ vào, dễ ra", không gây tâm lý nặng nề, nhưng nội dung và đối tượng kiểm tra rất rộng, trong khi lực lượng của uỷ ban kiểm tra có hạn, lại phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác do Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ do cấp uỷ giao, nên dễ làm lướt, "đóng dấu chất lượng". Kiểm tra đảng viên với số lượng lớn nhưng phát hiện có vi phạm ít, trong khi tiêu cực, vi phạm trong Đảng không ít và có xu hướng tăng lên là không đúng thực tế, do đó, không có tác dụng phòng ngừa vi phạm, nên hiệu quả hạn chế. Ủy ban kiểm tra các cấp là cơ quan chuyên trách làm công tác kiểm tra, giám sát. Vì vậy phải tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, uỷ ban kiểm tra các cấp kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là phù hợp.
* Tác dụng của việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
- Kết luận rõ đúng, sai, xác định rõ vi phạm (nếu có) của tổ chức đảng, đảng viên để xem xét, xử lý kịp thời, giữ nghiêm kỷ luật đảng; bảo đảm cho Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, các nguyên tắc tổ chức của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh.
- Giúp cho tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra thấy được ưu điểm để phát huy, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm (nếu có), để khắc phục, sửa chữa.
- Góp phần chủ động giáo dục, phòng ngừa, "răn đe"; ngăn chặn kịp thời, không để khuyết điểm trở thành vi phạm, hoặc vi phạm ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng, vi phạm của một người trở thành vi phạm của nhiều người, của tổ chức.
- Giúp tổ chức đảng quản lý đảng viên được kiểm tra thấy rõ trách nhiệm của mình, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc quản lý, giáo dục và kiểm tra, giám sát đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
- Giúp cho công tác kiểm tra có hiệu quả cao, tiết kiệm công sức và tiền của, góp phần cải cách hành chính trong hoạt động của Đảng; đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vì kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm chỉ tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, những nơi trọng điểm, tránh kiểm tra tràn lan.
- Giúp tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội thấy được những hạn chế, bất cập trong trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và hoạt động của mình; những quy định không còn phù hợp hoặc còn thiếu để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng về quản lý tổ chức đảng và đảng viên, về cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của đoàn thể chính trị - xã hội được chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay./-
Trần Vinh