Mục đích của thẩm tra, xác minh là tìm ra chứng cứ xác thực để chứng minh rõ hành vi đã diễn ra có hay không vi phạm của đối tượng kiểm tra. Để đạt được mục đích đó, đòi hỏi cán bộ kiểm tra của UBKT Huyện ủy Hàm Tân phải tinh thông nghiệp vụ, linh hoạt, sáng tạo và phải có tư duy khoa học trong quá trình thẩm tra, xác minh. Phương pháp quan trọng để làm tốt là phải có khả năng phát hiện và xác định đúng những vấn đề cốt lõi cần phải thẩm tra, xác minh nhằm làm rõ nội dung và đối tượng kiểm tra; thể hiện được khả năng xác định chính xác mục đích, phương hướng và biện pháp giải quyết chính xác từng nội dung, đối tượng kiểm tra. Vấn đề cốt lõi của hoạt động thẩm tra, xác minh là tiếp cận nội dung, đối tượng thu thập thông tin, chứng cứ, phân tích đánh giá, xử lý thông tin, chứng cứ đã thu thập được.
Để có được thông tin trong quá trình thẩm tra, xác minh thì bước đầu tiên cán bộ kiểm tra UBKT Huyện ủy Hàm Tân phải tiếp xúc được với tất cả những người có mối quan hệ, liên quan đến nội dung, đối tượng kiểm tra và phải vận động họ sẵn sàng cung cấp thông tin, chứng cứ xác thực. Như vậy, sẽ thu thập được thông tin từ nhiều nguồn, nhiều phía, thông tin càng phong phú và có độ tin cậy cao thì sẽ có nhiều cơ sở cho việc kết luận được chính xác.
Trong công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên, là người cán bộ kiểm tra phải chú ý coi trọng tinh thần tự giác, tinh thần tự phê bình và phê bình; phải vận động, thuyết phục, phải tác động đúng tâm lý, tâm trạng để đối tượng được kiểm tra, những người liên quan cung cấp thông tin có độ tin cậy cao. Một vấn đề quan trọng đó là nếu khi tiếp xúc đối tượng còn băn khoăn, e ngại, còn muốn né tránh, … thì cán bộ kiểm tra phải vận dụng linh hoạt để tìm cách giải thích, thuyết phục,trấn an, … Khi đã tiếp xúc được đối tượng thì cán bộ kiểm tra phải tiếp cận khai thác thông tin, chứng cứ. Như vậy, cán bộ kiểm tra sẽ thu thập được nhiều thông tin từ nhiều chiều và chọn lọc ra những thông tin có độ tin cậy cao để tiếp tục làm rõ, đủ cơ sở kết luận. Khâu quan trọng nữa là cán bộ kiểm tra phải dựa vào tổ chức đảng; phát huy tinh thần tự giác của đối tượng kiểm tra; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng và nhân dân; mối quan hệ kết hợp giữa các cơ quan có liên quan. Trước hết, cán bộ kiểm tra có thể khai thác thông tin từ lịch sử chính trị, từ lý lịch bản thân, từ tinh thần, trách nhiệm trong công việc, từ phẩm chất lối sống, …qua đó có thể thu thập được thông tin hữu ích, là cơ sở để tìm biện pháp đấu tranh nếu đối tượng cố tình quanh co, né tránh hoặc không thành khẩn. Ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc đối tượng, cán bộ kiểm tra phải chú ý qua vẻ mặt, ánh mắt, ngôn ngữ, hành vi, … của đối tượng để có thể nhìn nhận được vấn đề và có cách hỏi từ nhiều góc độ nhằm thu thập thông tin có độ tin cậy cao. Khi đã thu thập được nhiều nguồn thông tin, cán bộ kiểm tra phải so sánh, đối chiếu, phân tích, đánh giá và xử lý thông tin. Điểm quan trọng là phải loại bỏ đi những thông tin không có liên quan, không cần thiết; tìm ra mối liên kết giữa các thông tin để tìm ra mấu chốt bản chất của vấn đề; phải tránh những định kiến và suy nghĩ chủ quan theo một chiều hướng, …dựa trên các chứng cứ đó, cán bộ kiểm tra sẽ rút ra được kết luận chính xác.
Như vậy, là cán bộ kiểm tra phải tuân thủ chặt chẽ quy trình trong công tác kiểm tra, nhất là thẩm tra, xác minh phải tìm ra chứng cứ xác thực, có tính pháp lý cao để kết luận được chính xác, tránh tình trạng oan sai hoặc bỏ lọt vi phạm./-
Trần Vinh