Thời gian qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, công tác khoa giáo được các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành trong khối khoa giáo của huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ động, tích cực trong việc chủ trì, phối hợp với UBND huyện và các phòng, ban, ngành trong khối khoa giáo tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành các chương trình, chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về lĩnh vực khoa giáo trên địa bàn huyện đem lại hiệu quả tích cực, như: Công tác giáo dục và đào tạo nghề nghiệp được tổ chức dạy và học linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Công tác y tế, dân số và bảo hiểm được tăng cường, công tác phòng chống dịch bệnh được an toàn. Công tác gia đình, chăm sóc trẻ em, nhất là vấn đề xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích ở trẻ các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm. Hoạt động thể dục - thể thao từ huyện đến các xã, thị trấn được duy trì và ngày càng phát triển sâu rộng, các hoạt động, phong trào đa dạng, phong phú, thiết thực, thu hút đông đảo quần chúng, Nhân dân tham gia. Tham mưu báo cáo và tổ chức sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực khoa giáo được quan tâm; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát được tăng cường,... Nhiều lĩnh vực bức xúc, nổi cộm được các cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời; một số nhiệm vụ, giải pháp trên lĩnh vực khoa giáo được các cấp ủy, chính quyền đề ra và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các ngành trong khối khoa giáo bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp từng nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy. Việc theo dõi, nắm bắt tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về các lĩnh vực khoa giáo được thực hiện thường xuyên, hoàn thành tốt mục tiêu chính trị được giao.
Tuy nhiên, công tác khoa giáo vẫn còn một số hạn chế cần được quan tâm: Một số ít cấp ủy chưa thật sự chủ động trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với công tác khoa giáo. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong khối khoa giáo có lúc, có việc chưa chặt chẽ, công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách trên lĩnh vực khoa giáo đến với người dân có những nội dung còn hạn chế và bất cập. Việc nắm bắt những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn để tham mưu, đề xuất có lúc chưa kịp thời; các giải pháp đề ra tính khả thi, hiệu quả chưa cao; một số vấn đề nổi cộm liên quan lĩnh vực khoa giáo kéo dài chậm được giải quyết.
Trong thời gian đến, để tăng cường công tác khoa giáo, các cấp ủy đảng tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác Tuyên giáo nói chung, lĩnh vực khoa giáo nói riêng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khoa giáo. Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các cơ quan, ban, ngành trong khối khoa giáo chủ động rà soát, bổ sung, tham mưu cấp ủy tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư khóa XII về "Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Huyện ủy với các cơ quan Nhà nước trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm". Thường xuyên duy trì chế độ báo cáo, giao ban và cung cấp thông tin hai chiều để nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, kịp thời tham mưu cấp ủy giải quyết tháo gỡ khó khăn, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khoa giáo trên địa bàn huyện. Kịp thời tham mưu BanThường vụ Huyện ủy kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, chương trình hành động, kế hoạch của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy trên các lĩnh vực khoa giáo. Thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong lĩnh vực khoa giáo; chủ động đề xuất với cấp ủy giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc mà Nhân dân quan tâm; tham mưu có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn giúp cấp ủy có biện pháp lãnh đạo phù hợp với từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị./.