Tuổi trẻ huyện nhà ra mắt công trình thanh niên - Số hóa “Địa chỉ đỏ”

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và được sự thống nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc thực hiện công trình thanh niên “số hóa thông tin các di tích lịch sử qua Mã QR Code”; Ban Thường vụ Huyện đoàn đã triển khai thực hiện số hóa công trình “Bia địa chỉ đỏ”.

Sáng ngày 27/7/2023, Ban Thường vụ Huyện đoàn tổ chức ra mắt công trình thanh niên - Mã QR CODE số hóa công trình Bia địa chỉ đỏ tại khu phố 8, thị trấn Tân Nghĩa nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023).

Công trình số hóa địa điểm lịch sử - Bia địa chỉ đỏ của huyện là hoạt động thể hiện tính tiên phong của tuổi trẻ huyện nhà trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần giúp người dân, đoàn viên, thanh thiếu niên trên địa bàn huyện dễ dàng tiếp cận và nắm rõ thông tin về nơi diễn ra sự kiện chiến đấu và hy sinh của cán bộ, chiến sỹ của Đại đội 486 tỉnh Bình Tuy và Đại đội 1 Tiểu đoàn 186 Quân khu 6 ngày 11/11/1964.

Tại đây, vào ngày 11/11/1964, đã diễn ra trận phục kích đánh quân viện Tiểu khu Bình Tuy lên Hoài Đức tại đường số 2 ở km 17 – 18 (nay là khu phố 8, thị trấn Tân Nghĩa) của Đại đội 486 tỉnh Bình Tuy và Đại đội 1, Tiểu đoàn 186 Quân khu 6. Sau 1 giờ 30 phút chiến đấu quyết liệt, ta đã diệt và làm bị thương 130 tên địch gồm một Đại đội bảo an công vụ, một trung đội biệt động quân, có hai tên Cố vấn Mỹ; diệt Chi đội thiết giáp gồm 3 xe bọc thép, 1 xe jeep và 6 xe GMC chở lính. Ta thu được 47 súng các loại, có 2 đại liên, 1 súng cối 60 mm, 2 trung liên và nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng. Ta hi sinh 3 đồng chí, bị thương 2 đồng chí của Đại đội 486. Trận đánh đã tác động đến phong trào địa phương rất lớn, lần đầu tiên bộ đội ta đã đánh 1 đoàn quân của địch, tiêu diệt nhiều tên, phá hủy nhiều xe, thu nhiều vũ khí, bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân giải tỏa tiểu khu Bình Tuy lên Hoài Đức hỗ trợ đắc lực cho mặt trận Hoài Đức đánh ấp, phá kìm, giải phóng dân. Địch phải dùng trực thăng đổ cả tiểu đoàn quân Cộng Hòa để chi viện cho Hoài Đức chứ không dám dùng đường bộ. Quân địch càng hoang mang dao động dẫn đến việc rút bỏ khỏi chi khu Quận lỵ Hoài Đức và ngày 23/2/1965 chạy về đóng lưu vong ở Võ Đắc. Ta giải phóng hoàn toàn quận Hoài Đức và đại bộ phận nông thôn Tánh Linh. Trận đánh này còn tạo điều kiện thuận lợi cho Đại đội 460 bộ đội địa phương huyện Hàm Tân diệt địch giải phóng ấp Cây Găng, xã Văn Mỹ vào ngày hôm sau (12/11/1964) mà địch không thể phản ứng kịp. Đây là một trận đánh lớn, vào ban ngày, làm cho địch thấy rõ Bình Tuy không phải là hậu phương an toàn của chúng nữa.

Việc ra mắt số hóa “Bia địa chỉ đỏ” nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ Cha – Anh đã đổ máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quê hương Hàm Tân thân yêu góp phần vào cuộc đấu tranh chung thống nhất nước nhà.


Các tin khác