Nỗi đau da cam kéo dài qua nhiều thế hệ

Không bút giấy nào lột tả hết được nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Nếu như những thương binh, bệnh binh bị thương vì bom đạn chỉ phải chịu nỗi đau một đời. Còn nếu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thì hậu quả kéo dài đến nhiều đời sau. Thế nên, rất nhiều cựu binh là nạn nhân của di chứng da cam đến khi chết vẫn khắc khoải không nguôi vì con, cháu cũng đang bị chất độc da cam dày vò.

Chiến tranh đã đi qua, nhiều người lính từ chiến trường trở về mang trên mình nỗi đau da cam. Nỗi đau đó không dừng ở họ mà truyền qua nhiều thế hệ, để lại những di chứng nặng nề trong mỗi gia đình nạn nhân chất độc da cam. Và trong căn nhà bề bộn của vợ chồng anh Phạm Quang Minh và chị Cao Thị Thùy ở thôn Hà Lãng – xã Thắng Hải, Hàm Tân; nỗi đau da cam đang phá nát thế hệ thứ 3 của dòng họ. Bởi cả 3 người con của anh chị đều bị nhiễm chất độc da cam từ ông nội, dẫn đến thiểu năng trí tuệ.

3 con của anh chị là em Phạm Quốc Bảo sinh năm 1993, em Phạm Quốc Cường sinh năm 1997 và em út Phạm Quốc Trung sinh năm 2007. Dù đã ở vào tuổi cùng bạn bè cắp sách đến trường, nhưng đến nay, cả 3 em đều không thể nói thành câu và đều cần cha mẹ chăm bẳm, nuôi nấng như những đứa trẻ.

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình vẫn phải mang trong mình nỗi đau chiến tranh. Hơn ai hết, anh chị Minh và Thùy là người cảm nhận được sự tận cùng của nỗi đau da cam. Nước mắt đã cạn khô trên gương mặt người mẹ trẻ. Chấp nhận số phận bị đánh cướp tương lai tươi sáng của những đứa con mình mang nặng, đẻ đau. Vợ chồng anh chị đang cố gắng tăng gia sản xuất, vươn lên số phận để chăm sóc tốt hơn cho cuộc sống các con.

Theo ghi nhận, toàn xã Thắng Hải hiện có 30 nạn nhân nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam, trong đó có đến 5 trường hợp là thế hệ thứ 3. Để chung tay xoa dịu nỗi đau qua nhiều thế hệ, điều mà Hội nạn nhân chất độc da cam xã Thắng Hải đang rất quan tâm là kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội sẻ chia những đau thương, thiệt thòi của những nạn nhân chất độc da cam.

Nạn nhân chất độc da cam. Họ đau khổ nhất trong những người đau khổ, nghèo nhất trong những người nghèo. Chính vì thế, họ rất cần sự sẻ chia, tương trợ của cả cộng đồng. Như gia cảnh của anh Minh và chị Thùy, dù đã phấn đấu trả được sổ nghèo, nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau, vì chỉ có một mình anh là lao động chính, còn chị Thùy phải dành tất cả thời gian để chăm sóc 3 đứa con bệnh tật. Để họ vươn lên số phận và vượt qua nghiệt cảnh của nỗi đau nhiều thế hệ, mong rằng những tấm lòng thơm thảo gần xa sẽ nhanh đến với mảnh đời của 3 đứa trẻ đang bị đánh cướp tương lai.


Các tin khác