Một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ. Vì vậy, nâng cao chất lượng sinh hoạt của Chi bộ là nhân tố hết sức quan trọng quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi một tổ chức Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Để đạt được điều đó, cần phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ ở các loại hình nói chung hiện nay, theo tôi cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, các cấp ủy phải nhận thức đúng đắn vị trí và tầm quan trọng của sinh hoạt Chi bộ, coi việc đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Đây là giải pháp quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao nội dung sinh hoạt Chi bộ. Bởi có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Trong sinh hoạt, mỗi Đảng viên cần có trách nhiệm tham gia ý kiến xây dựng Nghị quyết, mạnh dạn tham gia ý kiến, bộc lộ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng về thực hiện nhiệm vụ của mình trong cơ quan, đơn vị; phát huy cao trí tuệ của tập thể; chi bộ chính là nơi giáo dục, rèn luyện, kiểm tra đảng viên.

Thứ hai, cấp ủy, chi bộ phải nắm vững chức năng và nhiệm vụ của loại hình cơ quan, đơn vị của mình để xây dựng nội dung sinh hoạt phù hợp. Trước mỗi kỳ sinh hoạt, cấp ủy, chi bộ cần bám sát tình hình hoạt động thực tế của Chi bộ để xây dựng nội dung sinh hoạt trong đó cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình thời sự trong nước và quốc tế; cần phổ biến, quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp ủy Đảng cấp trên; đánh giá việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác của chi bộ tháng trước theo Nghị quyết chi bộ đã đề ra và thảo luận nhiệm vụ trọng tâm cho tháng kế tiếp. Chú ý khi đánh giá trong thực hiện nhiệm vụ không quá đi sâu vào nhiệm vụ chuyên môn mà phải tập trung lãnh chỉ đạo toàn diện về công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, chính trị tư tưởng, phòng chống tham nhũng góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng đi vào chiều sâu.

Thứ ba, Bí thư các chi bộ phải thường xuyên cập nhât kiến thức nâng cao trình độ các mặt phát huy vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bí thư Chi bộ. Sổ sách phải đầy đủ theo Hướng dẫn số 12 của Ban Tổ chức Trung ương, các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, cập nhật những thông tin, kiến thức mới kịp thời. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nền nếp, nội dung, chất lượng sinh hoạt qua sổ ghi biên bản cuộc họp để rút kinh nghiệm. Bí thư Chi bộ phải là những đảng viên thật sự tiêu biểu, gương mẫu, có phẩm chất đạo đức, tâm huyết; có những kỹ năng trong điều hành một buổi sinh hoạt chi bộ để đạt hiệu quả cao; đồng thời phải chủ động lắng nghe và khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần tham gia góp ý của đảng viên trong sinh hoạt, tiếp thu và vận dụng những ý kiến đúng đắn của đảng viên đối với nhiệm vụ của chi bộ, của đơn vị. Trong quá trình sinh hoạt, bí thư chi bộ cần tạo môi trường dân chủ, cởi mở để mọi đảng viên được bộc bạch suy nghĩ của mình, tránh tình trạng im lặng, không dám nói hoặc không có thời gian để suy nghĩ những vấn đề cần thiết trong khi sinh hoạt chi bộ.

Thứ tư, chi ủy, chi bộ chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề phong phú, góp phần nâng cao nhận thức cho đảng viên. Việc chọn chuyên đề sinh hoạt cần sát thực, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ; đồng thời, phân công những đảng viên có khả năng, điều kiện nghiên cứu, tập hợp tư liệu để chuẩn bị và trình bày trước chi bộ để góp phần rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao khả năng diễn đạt, thuyết trình trước tập thể cho đảng viên. Về nội dung sinh hoạt, cần phải ngắn gọn rõ ràng đi vào trọng tâm, phải đảm bảo được 3 tính chất: tính lãnh đạo, tính giáo dục tính chiến đấu. Trong sinh hoạt, mọi cán bộ, đảng viên đều phải có thái độ nghiêm túc lắng nghe chủ tọa quán triệt nội dung buổi sinh hoạt gồm những vấn đề gì. Thực tế, nhiều đảng viên khi sinh hoạt không ghi chép, giải quyết công việc riêng… Mỗi đảng viên phải xác định việc tham gia sinh hoạt và phát biểu ý kiến không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi, là dịp thể hiện các chính kiến của mình góp phần vào tham gia xây dựng Đảng.

Thứ năm, thực hiện tốt phân công nhiệm vụ cho đảng viên, bảo đảm những đảng viên đang sinh hoạt trong chi bộ phải được giao nhiệm vụ cụ thể, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ được giao của từng đảng viên. Hàng tháng, đảng viên phải báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ được giao với chi bộ; cấp ủy, chi bộ cần biểu dương những đảng viên có thành tích và động viên giúp đỡ những đảng viên có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với các đảng viên sinh hoạt trong chi bộ. Qua đó, giúp cho các đảng viên kịp thời khắc phục những hạn chế thiếu sót và phát huy những mặt tích cực.

Trên đây là một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ hiện nay, các giải pháp này nằm trong tổng thể thống nhất của việc đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ ở các cơ quan, đơn vị. Hy vọng các giải pháp này sẽ góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở các loại hình trong toàn Đảng bộ huyện Hàm Tân.


Các tin khác