HÀM TÂN – DẤU ẤN 10 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển huyện Hàm Tân mới (01/12/2005 – 01/12/2015), tuy chưa dài nhưng đủ để khắc ghi một dấu ấn lịch sử quan trọng, đáng nhớ của một vùng đất nhiều gian khó nhưng cũng giàu tiềm năng và truyền thống

Địa danh Hàm Tân bắt đầu hình thành và có hệ thống hành chính từ năm Bính Thìn – 1916, theo đề nghị của Vua Duy Tân được Toàn quyền Pháp chuẩn y vào ngày 03/5/1916. Trãi qua các thời kỳ lịch sử, địa giới hành chính Hàm Tân đã nhiều lần điều chỉnh, chia tách, sáp nhập để đáp ứng yêu cầu lịch sử. Đến đầu những năm 2000, nhờ đường lối đổi mới của Đảng và sự phấn đấu, nỗ lực xây dựng quê hương của Đảng bộ và nhân dân, đời sống kinh tế - xã hội của huyện Hàm Tân (cũ) có nhiều đổi thay, đô thị hóa ngày càng nhanh. Để đáp ứng tốt yêu cầu quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tăng cường đầu tư phát triển, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ và nhân dân Hàm Tân – Lagi. Do đó, ngày 05/9/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2005/NĐ-CP về việc thành lập Thị xã Lagi trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hàm Tân. Kể từ ngày 01/12/2005, bộ máy của huyện Hàm Tân (mới) chính thức đi vào hoạt động.

Huyện Hàm Tân (mới) bắt đầu chặng đường mới trong bối cảnh là huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và yếu, đời sống của phần lớn nhân dân còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, đội ngũ cán bộ thiếu và chưa ổn định… Song, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh và bằng ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ý thức nỗ lực vượt khó của Đảng bộ và nhân dân, nên 10 năm qua Hàm Tân đã gặt hái nhiều thành quả rất đáng phấn khởi:

- Trước hết phải kể đến là cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành sản xuất tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 328,9 tỉ đồng, tăng hơn 7,53 lần so với năm 2005. Từ chỗ công nghiệp nhỏ lẻ, đến nay bản đồ công nghiệp đang sáng đậm lên từng ngày với các khu công nghiệp Tân Đức, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, cụm công nghiệp Nghĩa Hòa, Thắng Hải 1, Thắng Hải 2 đã được quy hoạch. Trong đó cụm công nghiệp Thắng Hải 1 đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động, cụm công nghiệp Thắng Hải 2 đang xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 và cụm công nghiệp Nghĩa Hòa đang triển khai bồi thường, dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong thời gian sắp tới. Thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, nhất là đã và đang đầu tư xây dựng mới hệ thống chợ tại 8 xã, thị trấn. Du lịch từ chỗ không có gì, đến nay đang từng bước hình thành với 22 dự án được tỉnh giao và cho thuê đất với diện tích trên 1.269ha, một số cơ sở du lịch đã bắt đầu đi vào hoạt động. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá tích cực. Từ một vùng đất khô hạn, đồi dốc, cát sỏi bạc màu, đến nay đã hình thành một số vùng chuyên canh các loại cây ăn trái, cây công nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế cao, như xoài, nhãn, quýt, thanh long, điều, cao su, sản xuất hạt giống… Cây trái, nông sản Hàm Tân ngày càng nổi tiếng với hương vị thơm ngon, đậm đà, chất lượng tốt hơn nhiều vùng khác. Theo đó cũng hình thành hàng chục cơ sở thu mua, chế biến nông sản quy mô lớn. Nguồn nước tưới dần chủ động, đặc biệt là đã được tỉnh đầu tư xây dựng hồ chứa nước Sông Dinh 3, đập dâng Sông Phan, đang tiếp tục xây dựng hệ thống kênh dẫn nước. Từ nền tảng phát triển kinh tế đã làm tăng nguồn thu ngân sách, kết quả thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, tổng thu ngân sách năm 2015 tăng gần 20 lần so với năm 2005. Việc làm, thu nhập, đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng cải thiện rõ rệt.

(Ảnh: Vùng cây ăn trái xã Tân Phúc)

- Để khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, huyện đã quy hoạch và tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là điện, đường, viễn thông… Tổng đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước trong 10 năm qua là 2.228,8 tỉ đồng.

- Đời sống văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ rõ rệt. Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp ngành giáo dục được đầu tư xây dựng khang trang. Đến nay toàn huyện có 39 trường học từ mầm non đến THCS (tăng 8 trường so với năm 2005), trong đó có 7 trường đạt chuẩn quốc gia, và có 3 trường THPT (tăng 2 trường so với năm 2005); chỉ tỉnh riêng trong giai đoạn 2005 – 2010, huyện đã cơ bản xoá xong các lớp học tạm bợ và tình trạng học ca 3. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được chú trọng, xây dựng mới Bệnh viện huyện (nay là Trung tâm y tế huyện) với quy mô 120 giường. Đến nay toàn huyện có 12 cơ sở y tế (tăng 4 cơ sở so với năm 2005), 197 giường bệnh (tăng 4,37 lần so với năm 2005), số lượng, chất lượng đội ngũ y, bác sĩ nâng lên đáng kể, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển rộng và ngày càng thực chất. Từ chỗ hầu như chưa có gì, đến nay 100% thôn, khu phố có nhà văn hóa; tỉ lệ gia đình văn hóa tăng từ 74,36% năm 2005 lên 88,09% vào năm 2014; từ chỗ chưa có thôn, khu phố văn hóa đến nay tăng lên 38/ 53 thôn, khu phố văn hóa, trong đó nhiều thôn, khu phố giữ chuẩn thôn, khu phố văn hóa 5 đến 10 năm liền. Xây dựng mới Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia về truyền thanh cơ sở. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp. Công tác xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh và huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia. 10 năm qua toàn huyện đã xây dựng mới 1.645 căn nhà tình thương, căn bản xóa xong nhà ở tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 20,2% năm 2005 (theo chuẩn cũ) xuống còn dưới 5% năm 2015 (theo chuẩn mới); dân sinh – kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều đổi thay đáng kể.

- Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm phát triển rộng khắp, không xảy ra đột biến bất ngờ. Giao quân hàng năm đạt 100%, chất lượng giao quân ngày càng tăng lên.

- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở là một trong những yêu cầu nhiệm vụ quan trọng được huyện tập trung củng cố, kiện toàn. 10 năm qua huyện đã đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho gần 1.200 lượt cán bộ, công chức, đặc biệt là đã và đang đào tạo 7 thạc sĩ; kết nạp 740 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên từ 430 năm 2005 lên 1.170 vào cuối tháng 10/2015 và nâng số tổ chức cơ sở đảng từ 22 lên 27 chi bộ, đảng bộ. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên đáng kể; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được phát huy; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực… đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, quản lý, xây dựng và phát triển huyện nhà, tạo được niềm tin vững chắc trong nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Bên cạnh đó các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, về Hàm Tân nơi nào cũng thấy rõ các phong trào, công trình, phần việc thi đua với rất nhiều tấm gương, mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, góp phần hết sức to lớn cho sự ổn định và phát triển của huyện.

(Ảnh: Ngã ba 46 nhìn từ trên cao)

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, có thể thấy Hàm Tân (mới) đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, nội lực kinh tế - xã hội được tích lũy lớn mạnh hơn, bộ mặt nông thôn và đô thị khang trang hơn, đội ngũ cán bộ trưởng thành hơn, nhân dân an vui, hạnh phúc hơn, đời sống ngày càng nâng lên về mọi mặt. Những thành tựu đạt được trên chặng đường 10 năm phát triển với nhiều điểm sáng của huyện là hết sức quan trọng, đáng phấn khởi, tự hào. Nhưng so với bình diện chung của tỉnh cũng như mong muốn của cán bộ và nhân dân, vẫn thấy thực tế rằng Hàm Tân còn bộn bề khó khăn, tiềm năng lớn chưa đánh thức hết, lợi thế nhiều chưa đủ sức khơi thông.

Do đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X đã xác định mục tiêu xây dựng và phát triển huyện nhà trong 5 năm tới (2015 – 2020) đó là:  “Huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị, mà trước hết là xây dựng tổ chức cơ sở đảng thật sự trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”. Đồng thời, với quyết tâm chính trị “Đoàn kết - Dân chủ - Trí tuệ - Đổi mới”, với truyền thống cách mạng và nền tảng của thành tựu 10 năm qua, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng quê hương Hàm Tân sẽ ngày càng phát triển giàu đẹp hơn trong tương lai không xa.


Các tin khác