Công tác giải quyết tố cáo và một số giải pháp.

         Công tác giải quyết tố cáo tổ chức đảng và đảng viên là một trong những nhiệm vụ thường xuyên nhằm giải quyết kịp thời các phản ánh, bức xúc, yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của công dân, của cán bộ, đảng viên; qua đó để kết luận đúng, sai hoặc xem xét trách nhiệm nếu tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm vi phạm, góp phần ổn định an ninh chính trị, kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh.

          Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hàm Tân và cấp ủy cơ sở đã tiếp nhận 44 trường hợp đơn tố cáo đối với đảng viên; qua xem xét, phân loại số đơn phải giải quyết là 24 trường hợp, đã giải quyết xong 24 trường hợp (đạt 100%). Kết quả giải quyết tố sai 06 trường hợp, tố đúng và đúng một phần 18 trường hợp, trong đó có 02 trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Nội dung tố cáo tập trung vào các lĩnh vực đất đai, văn bằng không hợp pháp, phẩm chất đạo đức, lối sống và thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ... Qua công tác giải quyết tố cáo đảng viên trong nhiệm kỳ qua, từ thực tiễn cho thấy, công tác giải quyết tố cáo những năm qua ở Đảng bộ huyện Hàm Tân có những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đó là:

          Thứ nhất, về thuận lợi: Công tác giải quyết tố cáo luôn được cấp ủy quan tâm và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Công tác tiếp dân được duy trì thường xuyên, trình tự giải quyết đơn tố cáo được thực hiện đúng quy định, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với các cơ quan chức năng liên quan nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác, góp phần bảo vệ được quyền lợi chính đáng của cán bộ, đảng viên và công dân.

          Thứ hai, về khó khăn, vướng mắc: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước... ở một số địa phương chưa được sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nên nhận thức và việc chấp hành còn hạn chế. Một số cấp ủy cơ sở có lúc chưa tập trung đúng mức công tác giải quyết tố cáo của công dân; quá trình giải quyết tố cáo có trường hợp chưa đảm bảo quy trình.

          Về nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc: Nguyên nhân chủ yếu do lãnh đạo một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác giải quyết tố cáo; chưa đi sâu nắm bắt, tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc và giải quyết vấn đề khi mới phát sinh; thiếu kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết tố cáo và công tác quản lý nhà nước có lúc, có nơi còn yếu, buông lỏng trong quan lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

          Để công tác giải quyết tố cáo trong thời gian tới được tốt hơn, cần nghiên cứu vận dụng một số giải pháp sau:

         Một là, các cấp ủy cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 53-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tham gia giải quyết đơn thư tố cáo. Đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý, điều hành của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong chỉ đạo, giải quyết đơn thư tố cáo; cấp uỷ, chính quyền phải có kế hoạch, chương trình cụ thể, đồng thời phải có phân công trách nhiệm một cách rõ ràng để chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả đơn tố cáo trên địa bàn.

          Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như: Luật tiếp công dân, Luật Đất đai, Luật tố cáo... gắn với đẩy mạnh làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng làm tốt công tác hoà giải tại chỗ khi có tranh chấp mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân.

          Ba là, chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quy định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh làm tốt công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong giải quyết tố cáo, coi trọng và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và các cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư cùng phối hợp tham gia giải quyết tố cáo; kịp thời giải quyết các điểm nóng mới phát sinh ngay từ cơ sở nhằm ngăn ngừa có hiệu quả các mâu thuẫn phát sinh gây mất đoàn kết dẫn đến đơn thư khiếu kiện.

          Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát để đánh giá hiệu quả tiếp dân giải quyết đơn thư tố cáo của đội ngũ cán bộ chuyên trách gắn với đánh giá trách nhiệm, hiệu quả trong công tác chỉ đạo giải quyết đơn thư tố cáo của cấp uỷ, chính quyền cấp cơ sở, nhất là những địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp để đánh giá nghiêm túc, đồng thời xem xét xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, có vi phạm.

          Năm là, trong giải quyết đơn tố cáo cần tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, các địa phương, đơn vị cần bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm làm công tác tiếp dân. Các vụ việc phức tạp, lãnh đạo, các địa phương, đơn vị cần trực tiếp làm công tác tiếp dân, lắng nghe ý kiến và chỉ đạo công tác giải quyết tố cáo cho công dân. Trong qua trình giải quyết tố cáo cần tăng cường tiếp xúc với công dân nhằm tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh tố cáo gắn với làm tốt việc thu thập chứng cứ, tài liệu làm căn cứ cho việc giải quyết các đơn tố cáo.

          Sáu là, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn tố cáo, gắn với thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng kịp thời với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác tiếp dân, giải quyết tố cáo.

          Bảy là, định kỳ Thường trực cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp nghe các cơ quan chức năng báo cáo tình hình, kết quả xem xét giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài... để có hướng chỉ đạo xử lý, giải quyết đúng quy định./.


 


Các tin khác