Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"

Sáng 03-2-2015, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Hàm Tân đã trang trọng tổ chức lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho mẹ Dương Thị Thạnh ở thị trấn Tân Nghĩa. 

Ảnh: Mẹ Dương Thị Thạnh nhận Quyết định công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"

Để ghi nhớ công lao to lớn của  các Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, đồng thời thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công cách mạng. Trong năm 2014, huyện Hàm Tân đã đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng cho 9 trường hợp. Trong đợt này, Chủ tịch nước đã công nhận danh hiệu cho 1 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng của huyện Hàm Tân là mẹ Dương Thị Thạnh.

Mẹ Dương Thị Thạnh sinh năm 1929, quê quán tại xã Tam Sơn huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Hiện thường trú tại khu phố 2 thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. Mẹ có chồng và 1 con là liệt sĩ. Chồng mẹ là ông Nguyễn Chơi, sinh năm 1927, tham gia làm đội viên du kích xã Tam Sơn, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ông đã chiến đấu và hy sinh trong 1 trận hành quân càn quét của quân đội Mỹ. Trước đó, con trai mẹ là anh Nguyễn Xuân, sinh năm 1951, tham gia trong đội du kích chống Mỹ của xã Tam Sơn. Trong 1 lần thực hiện nhiệm vụ phục kích địch anh đã hy sinh. Bản thân mẹ cũng đã có nhiều đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp. Tham gia vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ tại địa phương từ năm 1945-1950, từ năm 1962 tham gia tiếp tế lương thực cho quân đội, ở nhà nuôi giấu cán bộ nằm vùng cho đến ngày giải phóng đất nước. Với thành tích này, Mẹ đã được nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 3.

Cho tới thời điểm này, Mẹ Dương Thị Thạnh là Mẹ Việt Nam Anh Hùng còn sống duy nhất trên địa bàn huyện Hàm Tân. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, những thương, bệnh binh…đây cũng chính là trách nhiệm góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.


Các tin khác