Gương sáng Thương binh trong cuộc sống đời thường.

Rời quân ngũ, xa chiến trường, những người lính trở về đời thường luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Song với ý chí tự lực, tự cường, hầu hết cựu chiến binh, thương binh đã vươn lên, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu. Thương binh tàn nhưng không phế. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang được các thương, bệnh binh thấm nhuần và biến quyết tâm thành hành động cụ thể. Mỗi việc làm có ý nghĩa của các thương, bệnh binh càng làm sáng hơn hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Một thời hào hùng trong chiến đấu của anh bộ đội cụ Hồ Lương Văn Phước (Chủ tịch Hội Nan nhân chất độc da cam – P.Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Mỹ) đã đi qua, nhưng thương tật, di chứng chất độc da cam vẫn còn hằn dấu trên cơ thể của ông. Rời quân ngũ, thương binh, cựu chiến binh Lương Văn Phước xác định phải đối mặt với hiện thực cuộc sống khó khăn và ông luôn ghi nhớ câu nói của Bác Hồ gửi thương binh: “….Các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, như các đồng chí đã làm người chiến sỹ kiểu mẫu ngoài mặt trận”. Điều đó đã thôi thúc nghị lực và phẩm chất người lính, động viên ông ra công, gắng sức trong lao động sản xuất.

Qua từng năm, công sức và mồ hôi của ông đổ xuống đã thu được quả ngọt. Vùng đất hoang hoá ngày nào nay đã xanh mướt rừng keo rộng 5 hecta, sau 5 năm chăm sóc rừng trồng đã mang lại cho gia đình ông Phước trên 200 triệu đồng. Nổ lực vượt khó vươn lên, bước đầu đã giúp gia đình ông vừa đủ trang trải điều kiện sinh hoạt và có dư để tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá, đủ đầy hơn.

Còn tại xã Thắng Hải, gia đình CCB Nguyễn Văn Tuân được xem là gương sáng hăng say lao động, chăm lo làm giàu và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Là quân nhân, năm 1997, xuất ngũ trở về địa phương, không ngừng nghỉ, ông Tuân đã bắt tay ngay vào lao động chăm lo đời sống kinh tế gia đình. Lúc đầu, gia đình lập vườn trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi. Khi tạm ổn, hai vợ chồng sử dụng số tiền tích cóp được mua máy móc, thiết bị, mở cơ sở gia công hạt điều cho các nhà máy lớn.

Hiện nay, riêng cơ sở ở thôn Hà Lãng đã tạo công ăn việc làm thường xuyên với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng cho hơn 50 lao động tại địa phương. Trong đó, gần một nửa lao động là con em hội viên Hội CCB trong xã.

Còn tại xã Tân Đức, những người lính cụ Hồ năm xưa đi qua mưa bom bão đạn để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, nay về với đời thường lại tiếp tục tham gia góp sức mình vào công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Với mô hình hội CCB tham gia giữ gìn trật tự thôn xóm được xem là điển hình của huyện và địa phương, Hội Cựu chiến binh xã Tân Đức đã phối hợp cùng lực lượng Công an cơ sở đấu tranh đẩy lùi trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, .

Trở về từ khói lửa chiến tranh, tuy sức khoẻ có giảm nhiều sau những năm tháng trên chiến trường, nhưng những người CCB trên địa bàn huyện nhà vẫn nổ lực hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác địa phương và xây dựng Hội vững mạnh; đó là những mẫu mực phấn đấu làm sáng mãi bản chất người lính cụ Hồ giữa đời thường.


Các tin khác