HÀM TÂN TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện Hàm Tân (22/4/1975 – 22/4/2015), để thấy rõ hơn giá trị lịch sử của sự kiện này, xin được giới thiệu khái quát về Hàm Tân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Hàm Tân cùng với cả nước lại phải tiếp tục đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Tháng 7/1954, nguỵ quyền Bình Thuận tiếp quản Hàm Tân, đến 1957 Hàm Tân trở thành một phần của tỉnh Bình Tuy (do chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập). Sau khi tiếp quản, cùng với các chiến dịch “tố cộng”, tuyên truyền xuyên tạc Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam, đàn áp cách mạng để tạo uy thế, ổn định tình hình; địch coi Hàm Tân là vùng “Tự do cộng sản” trước đây, nên thực hiện thủ đoạn vừa mua chuộc, vừa mị dân, vừa đàn áp, khủng bố, đưa binh lính, mật thám vào các thôn xóm sục sạo, bắt bớ, cài cắm gián điệp… một cách liên tục và ác liệt, gây nhiều khó khăn cho phong trào cách mạng. Tuy nhiên, chính điều đó đã khiến nhân dân càng thêm căm giận, các đội công tác phong trào vẫn tìm cách hoạt động, tăng cường xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang tiếp tục được củng cố và đến đầu những năm 1960 có những bước phát triển mới, đẩy mạnh tấn công địch và tấn công liên tục, kết hợp với đấu tranh chính trị, phá ấp, phá kềm. Đến năm 1964 – 1965, Hàm Tân đã giải phóng và làm chủ được một số xã vùng nông thôn, góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; sau đó tiếp tục bám trụ, tuy lực lượng còn ít nhưng đã phối hợp với chiến trường chung tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, góp phần đánh bại một bước “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Năm 1968, để bám sát chỉ đạo phong trào cách mạng từng vùng, Khu 6 đã thành lập Tỉnh uỷ Bình Tuy, từ đó Hàm Tân đặt dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Bình Tuy.

Từ khi Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, Hàm Tân là một huyện trọng điểm nằm trong kế hoạch bình định, giành dân, lấn đất của địch. Chúng liên tục mở các cuộc càn quét vào các vùng căn cứ, bàn đạp hành lang, vùng giải phóng nhằm ngăn chặn, đối phó với các hoạt động của ta, hòng đánh bật ta ra khỏi địa bàn huyện, phục vụ cho việc mở rộng bình định cấp tốc, bình định đặc biệt, bình định củng cố, yểm trợ bảo vệ vòng trong, vòng giữa, vòng ngoài. Tuy địch gây nhiều khó khăn, tổn thất, nhưng vẫn không xoá được lực lượng của huyện. Từ đầu năm 1969, bộ đội địa phương, Đội vũ trang công tác và du kích đã liên tục bám sát ấp, đánh địch bung ra; tuyên truyền, phát động quần chúng xây dựng phong trào; làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, giữ vững vùng căn cứ và giải phóng, giữ vững bàn đạp tấn công địch. Trong năm 1972, Hàm Tân đã đánh 43 trận, làm chết và bị thương 103 tên, diệt 6 tên ác ôn, bắt cải tạo 12 tên; vùng giải phóng được củng cố, xây dựng 5 tuyến chông dài 1.000m, rộng 176m, cắm 40.000 chông và chất nổ để bố phòng. Trong đợt cao điểm tháng 1/1973, Hàm Tân tiếp tục đánh 12 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 64 tên và giải tán 1 toán phòng vệ dân sự ra tham gia cách mạng… đã góp phần làm cho địch thất bại trên chiến trường chung, phá sản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari về Việt Nam (27/01/1973).

Tuy nhiên, Mỹ - Nguỵ đã trắng trợn phá vỡ hiệp định ngay từ ngày đầu có hiệu lực ngừng bắn. Thế tranh chấp giữa ta và địch trở nên quyết liệt, giằng co từng tấc đất, từng người dân. Địa bàn Bình Tuy nối liền Trung bộ với Nam bộ, tiếp giáp vùng 2 và vùng 3 chiến thuật của địch, là tuyến bảo vệ vòng ngoài từ xa của Sài Gòn, đất rộng, người thưa, giao thông thuận lợi (có Quốc lộ 1 và đường sắt xuyên qua, tiếp giáp bờ biển). Do đó, địch cũng như ta, xem đây là địa bàn quan trọng nên tranh chấp quyết liệt để dành thế chủ động. Khi địch vi phạm hiệp định ngừng bắn, các đơn vị vũ trang của địa phương đã ngoan cường đánh trả, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ được các vị trí ta chiếm giữ từ trước. Nhưng do tương quan lực lượng bất lợi, nên ta chủ động chuyển ra để bám trụ, đánh địch dài ngày. Lúc này, địch tích cực thực hiện kế hoạch bình định, tiến hành di dãn dân, khẩn hoang lập ấp trên diện rộng, mở rộng vùng kiểm soát, lập các khu khẩn hoang thành các khu ấp chiến lược mới. Chúng ủi quang từ cây số 16 đến 19 dọc tỉnh lộ 2 (Quốc lộ 55 hiện nay) và đưa gần 1.370 gia đình với gần 6.000 người từ Trị Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào lập khu Bình Ngãi, Đông Hà; đưa 2.000 dân Khu 5, trên 100 dân ngã tư Bảy Hiền (Sài Gòn) vào lập khu Phúc Âm (Tân Minh, Tân Phúc ngày nay)… Đồng thời chúng tăng cường các hoạt động quân sự, liên tục hành quân cảnh sát, bung ra càn quét thọc sâu vào vùng giải phóng của ta, vây ráp bắt lính đôn quân, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý.

Tháng 3/1973, tỉnh chi viện lực lượng cho Hàm Tân; tháng 10/1973 tỉnh thành lập thêm huyện Nghĩa Lộ (có các các xã Tân Hà, Tân Nghĩa, Tân Minh) nhằm chống âm mưu lấn đất, giành dân của địch ở mãng tỉnh lộ 2 (Đông Hà, Nghĩa Tân, Bình Ngãi) và dọc Quốc lộ 1 từ cây số 58 đến 63. Bên cạnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh chính trị, trong năm 1973 các lực lượng vũ trang trên địa bàn Hàm Tân đã đánh 37 trận vừa và nhỏ. Năm 1974, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng có khí thế áp đảo địch, binh vận mạnh hơn trước, lực lượng vũ trang tiếp tục đánh 40 trận lớn nhỏ.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hàm Tân có vị trí khá đặc biệt. Khi tình hình các mặt trận Tây Nguyên, Miền Trung diễn ra với ưu thế thuộc về ta, thì làn sóng di tản từ các nơi dồn về đây ồ ạt, tạo thành cuộc tháo chạy tán loạn. Hơn nữa, tỉnh ta đã liên tiếp đánh địch, giải phóng Hoài Đức – Tánh Linh, đẩy địch ở Bình Tuy vào thế bị động, suy sụp. Sớm nhận định tình hình thời cuộc, Huyện uỷ Hàm Tân chỉ đạo phải chiếm lĩnh thế chủ động, kết hợp tiến công và nổi dậy; phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng hậu phương và quân chủ lực áp sát, dồn địch vào trung tâm tỉnh lỵ. Sau khi giải phóng xong Hoài Đức, đơn vị 88 và 81 của tỉnh chuyển ngay xuống Quốc lộ 1, phối hợp với Nghĩa Lộ, Hàm Tân, Lagi phát động quần chúng tấn công địch, chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng phối hợp với lực lượng của trên để giải phóng toàn bộ phần còn lại của tỉnh. Từ ngày 16/4 đến 20/4/1975, Đại đội 88 và 81 phối hợp cùng bộ đội địa phương và lực lượng các đội công tác đã giải phóng từ Căn cứ 6 (Tân Minh) đến ngã ba 46 và từ ngã ba 46 đến Đá Mài – Láng Goòn (Tân Xuân). Ngày 17 và 18/4/1975, bộ đội địa phương Hàm Tân cùng các đội công tác đã giải phóng từ cây số 26 đến ngã ba 46, nối liền Bình Thuận - Bình Tuy. Như vậy, từ ngày 16/4 đến 18/4/1975 đã giải phóng thông suốt khoảng 40 cây số trên tuyến Quốc lộ 1 thuộc địa bàn Hàm Tân. Ngay sau đó, ngày 19/4/1975, tỉnh Bình Thuận được giải phóng tạo thêm thế và lực mới cho phong trào cách mạng ở Bình Tuy nói chung và Hàm Tân nói riêng. Ngày 21/4/1975 bộ đội địa phương đánh chiếm ấp Đông Hà và đánh địch ở cầu Láng Goòn. Vào ngày 22/4, từ hướng Quốc lộ 1 theo Tỉnh lộ 2 về Lagi, cánh quân chủ lực thuộc Trung đoàn 812 cùng Đại đội xe tăng T55, 1 đại đội pháo của cánh quân Duyên hải (thuộc Quân đoàn 2) phối hợp cùng bộ đội địa phương tiến công đánh chiếm sân bay Láng Goòn, pháo kích phá huỷ 1 máy bay và chiến đấu bảo vệ sân bay.

Như vậy, ngày 22/4/1975 địa bàn của huyện Hàm Tân đã được hoàn toàn giải phóng, tạo thế để quân ta tiếp tục tiếp công thẳng vào cơ quan chỉ huy quân sự của địch và thị xã Lagi, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Tuy vào rạng sáng ngày 23/4/1975. Đây là tỉnh cuối cùng của Quân khu 6 và là tỉnh thứ 21 được giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hàm Tân nguyên là một căn cứ địa kháng chiến chống Pháp, chuyển lên thành vị trí đương đầu với hệ thống đầu não của bộ máy chiến tranh nguỵ quyền tỉnh Bình Tuy, nằm trong vùng chiến thuật xung yếu nên tình hình thường xuyên có nhiều khăn, phức tạp. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với truyền thống đấu tranh cách mạng, sự chi viện, hỗ trợ của trên, Đảng bộ Hàm Tân đã ra sức lãnh đạo nhân dân xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng cơ sở, căn cứ cách mạng, vận dụng sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân, “lấy ít đánh nhiều”, đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị và công tác binh vận, kiên cường bám trụ, từng bước chiếm lĩnh thế trận, giành thế chủ động, tạo lập sự hợp đồng tác chiến nhịp nhàng trên phạm vi cả chiến trường, đưa phong trào cách mạng trong huyện đi lên đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng vẻ vang, nhưng đau thương, mất mát cũng nhiều vô kể. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là kháng chiến chống Mỹ, có hơn 250 con em của nhân dân Hàm Tân đã hy sinh trên các chiến trường, hàng trăm người mang thương tật chiến tranh vĩnh viễn; chưa kể sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị bộ đội chủ lực. Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều chiến sĩ hy sinh trên mảnh đất Hàm Tân, nhưng chưa thể tìm thấy hài cốt.

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa xuân 30/4/1975, non sông thu về một mối, đất nước hoàn toàn độc lập, tự do. Trong chiến thắng vĩ đại đó của dân tộc, có một phần đóng góp xứng đáng của Đảng bộ, quân và dân Hàm Tân./.


Các tin khác