“Giúp đỡ người hoàn lương” mô hình cần được nhân rộng

Từ thực tế trên địa bàn Thị trấn Tân Minh có một số đối tượng chấp hành án phạt tù trở về địa phương có thể tái phạm hoặc tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật. Được sự chỉ đạo của Đảng ủy thị trấn, cuối năm 2017, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Tân Minh đã ra mắt mô hình “Giúp đỡ người hoàn lương”. Sau 02 năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đây là mô hình cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Qua khảo sát thực trạng tại địa phương có 25 đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương (Trong đó, đi khỏi địa phương là 09 người, có việc làm ổn định 06 người, không việc làm ổn định 10 người), đa số các đối tượng trở về địa phương chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, riêng có một số đối tượng sống trong môi trường phức tạp về an ninh trật tự, có ý thức chấp hành chưa tốt.

Xuất phát từ thực trạng trên Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn xây dựng kế hoạch, thành lập mô hình “Giúp đỡ người hoàn lương” nhằm giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, giúp họ tự tin, sống có ích cho xã hội, tái hòa nhập cộng đồng góp phần giảm phát sinh tội phạm, tái phạm tội trên địa bàn thị trấn nhất là số đối tượng không có việc làm ổn định. Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn quyết định thành lập mô hình “Giúp đỡ người hoàn lương” và ra mắt vào cuối năm 2017, thành lập Tổ nòng cốt gồm 09 thành viên; đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn làm Tổ trưởng phụ trách chung, Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội thị trấn và Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố làm thành viên phụ trách từng địa bàn, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên gặp gỡ từng đối tượng, quan tâm, động viên. Bước đầu tổ nòng cốt đưa ra mục tiêu từ năm 2018- 2020, phân loại giúp đỡ các đối tượng cho phù hợp như: Đối tượng cần vay vốn để phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, hướng dẫn về thủ tục pháp lý, con cái học hành, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Hàng tháng họp giao ban công tác Mặt trận, kết hợp họp Tổ nòng cốt, nắm bắt tình hình các đối tượng; 03 tháng họp giao ban 01 lần Tổ nòng cốt mời Công an thị trấn cùng tham dự.

Qua 02 năm triển khai, mô hình đã đạt được kết quả ngoài sự mong đợi. Đa số các đối tượng chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, có việc làm, thu nhập ổn định. Giúp bảo lãnh 03 đối tượng vay vốn, số tiền 134 triệu đồng, trong đó 01 người mở xưởng mộc, 01 trồng thanh long, 01 làm hàng thủ công; các đối tượng vay vốn sử dụng đúng mục đích, trả lãi, trả góp gốc đều hàng tháng (trong đó, riêng trường hợp Đặng Ngọc Long, khu phố 2 làm thợ mộc, trả gốc từ 42 triệu đồng còn 14 triệu đồng). Hướng dẫn thủ tục pháp lý, làm hồ sơ lắp đồng hồ điện cho 01 đối tượng, tặng quà số tiền 01 triệu đồng giúp đỡ đi học cho con 01 đối tượng; các đối tượng còn lại các thành viên thường xuyên gặp gỡ thăm hỏi, động viên tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của địa phương. Kết hợp mô hình này, Mặt trận thị trấn được phân công giúp đỡ 02 người nghiện ma túy cai nghiện, qua thăm gặp động viên, đến nay 01 đối tượng qua kiểm tra không còn sử dụng chất ma túy, đang đi làm Thanh Long ở Hàm Thuận Nam; 01 đối tượng nghiện có hoàn cảnh khó khăn được Mặt trận vận động giúp đỡ về kinh phí 01 triệu đồng để làm hồ sơ thủ tục đi uống methadon.

Có thể khẳng định rằng, qua 02 năm triển khai xây dựng, hoạt động của mô hình đã có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, mọi người quan tâm hơn chia sẻ với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, đó cũng là động lực để họ sống tốt hơn, tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội. Được biết mô hình này được Ban Chỉ đạo phong trào phòng chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội của huyện đề nghị khen thưởng năm 2019. Từ hiệu quả của mô hình trên cần quan tâm nhân rộng trong thời gian tới./.   


Các tin khác