Đạt được kết quả trên, là nhờ công tác lãnh chỉ đạo được nâng lên (Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng; Hướng dẫn số 64-HD/BTGTW ngày 10/5/2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW; Hướng dẫn hàng năm của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về công tác giáo dục lý luận chính trị). Nội dung chương trình giáo dục lý luận chính trị ở Trung tâm chính trị khá phong phú, bao quát được nhiều đối tượng ở cơ sở, gồm các nhóm chương trình: nhóm chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cơ bản (3 chương trình); nhóm chương trình bồi dưỡng chuyên đề (6 chương trình); nhóm chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ (5 chương trình); nhóm chương trình lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác đoàn thể (6 chương trình); nhóm chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên các cấp. Công tác giao ban định kỳ, tổ chức hội thi giảng viên giỏi được tỉnh quan tâm triển khai. Đội ngũ giảng viên thường xuyên được củng cố theo hướng nâng cao chất lượng chuyên môn và nhiệt tình trong công tác giảng dạy (Trung tâm hiện có 13 đồng chí giảng viên, trong đó có 2 giảng viên chuyên trách và 11 giảng viên kiêm chức. Trình độ chuyên môn 11 Đại học; 02 thạc sỹ. Trình độ lý luận chính trị 13/13 cao cấp). Trung tâm có cơ sở riêng, đảm bảo việc giảng dạy và học tập cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Tuy nhiên, Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số đơn vị phối hợp không tổ chức mở lớp trực tuyến được, đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu mở lớp do Thường trực Huyện ủy giao. Quy định 208-QĐ/TW của Ban bí thư đã khắc phục được hạn chế về cơ quan chủ quản, đầu mối quản lý, tuy nhiên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, phải chờ hướng dẫn cấp trên. Việc tập huấn kỷ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên ít thực hiện. Các chương trình nhiều khi còn chưa được cập nhật. Đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa được chuyên nghiệp hóa; việc bố trí giảng viên kiêm chức còn bị động. Chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức, giảng viên chuyên trách, cán bộ làm công tác giáo vụ còn bất cập.
Trong thời gian đến, nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Trung tâm Chính trị cần phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nắm vững sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, yêu cầu, nhiệm vụ của huyện, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng ở địa phương, đề xuất với cấp ủy những chủ trương, biện pháp giáo dục lý luận chính trị. Có phương thức tổ chức học tập vừa linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo chất lương học tập.
Hai là, tham gia tổng kết thực tiễn, góp phần nghiên cứu, phát triển lý luận.
Ba là, tham mưu cấp ủy tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Bốn là, chủ trì, phối hợp tham mưu nội dung giáo dục lý luận chính trị theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lập kế hoạch giáo dục lý luận chính trị hàng năm trình Thường trực cấp ủy thông qua.
Năm là, tham mưu các Quyết định công nhận giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm nhiệm đúng theo Quy định 208-QĐ/TW và Hướng dẫn Số 05-HD/BTCTW.
Sáu là, trực tiếp ban hành những văn bản hoặc là phối hợp liên ban, ngành ban hành những văn bản về công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn theo thẩm quyền.
Bảy là, giúp cấp ủy chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo nói chung và cán bộ làm công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng; kiến nghị với cấp ủy thực hiện đúng chính sách bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ với cán bộ làm công tác giáo dục lý luận chính trị.
Tám là, trực tiếp tham gia truyền đạt nghị quyết, giảng bài tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm chính trị huyện./.