Tình cảm của Bác Hồ với giai cấp nông dân

"Dù cho sông cạn đá mòn

Những lời Bác dạy vẫn còn đinh ninh".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó Người đặc biệt quan tâm đến giai cấp nông dân. Từ những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ ra con đường duy nhất để giải phóng giai cấp nông dân là con đường cách mạng vô sản, gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, trong đó có nông dân, đem lại ruộng đất cho nông dân.

Nông dân Việt Nam là lực lượng to lớn của cách mạng. Họ đã không ngại gian khổ hy sinh, tích cực tăng gia sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Hơn ai hết Bác thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những con người ấy. Trong con đường đi đến hạnh phúc ấm no, người nông dân Việt Nam luôn có Bác đi cùng.

Trong "Thư gửi nông dân thi đua canh tác" vào tháng 02/1951, Bác viết: "Thực túc thì binh cường! Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất. Ruộng, rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương". Bức thư đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác với giai cấp nông dân và sản xuất nông nghiệp.

Khi đến thăm đồng bào, Bác không dùng những lời lẽ chung chung mà rất cụ thể, nói rõ từng việc, chỉ ra ưu điểm để phát huy, vạch rõ khuyết điểm để khắc phục. Đứng trước bà con, Bác không cần đọc diễn văn mà ân cần chuyện trò thăm hỏi.

Khi cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc diễn ra ác liệt, Bác dành thời gian xuống tận các hợp tác xã thăm hỏi, động viên nhân dân. Hình ảnh Bác xoắn quần lội ruộng, cùng tát nước, cùng đạp guồng nước chống úng với bà con là những hình ảnh đẹp trong lòng người dân.

Những năm tháng cuối đời, tuy sức khỏe yếu nhưng Bác vẫn dành thời gian làm việc với các đồng chí phụ trách nông nghiệp. Khi họp Bộ Chính trị hay trong các buổi làm việc về nông nghiệp, Người thường nhắc Bản điều lệ Hợp tác xã. Bác bảo công nhân có ngày kỷ niệm thì nông dân cũng phải có ngày kỷ niệm và nên lấy ngày ban hành Điều lệ Hợp tác xã làm ngày kỷ niệm cho nông dân. Bác dặn viết bản Điều lệ sao cho nông dân ít học cũng hiểu được. Sau khi đọc bản dự thảo, Bác nói đây là bản dùng cho cán bộ, còn đối với xã viên thì viết phải tóm tắt hơn, dễ hiểu hơn. Bác đọc và sửa chữa rất kỹ, có chỗ nào chữ nghĩa cầu kỳ, khó hiểu Bác đều sửa lại. Đến tận những ngày tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sắp đi xa, ngày 17/8/1969 dù mệt nặng nhưng Người vẫn theo dõi mực nước các triền đê và căn dặn các địa phương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất.

Cho đến bản Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người cũng đã dành những dòng xiết bao trìu mến, ân cần, quan tâm sâu sát đến giai cấp nông dân: "Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay đã hoàn hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất."

Ngày nay, đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, dân ta được tự do; đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao hơn. Trong niềm vui lớn ấy, chúng ta càng nhớ đến Bác - Người lãnh tụ vĩ đại, người suốt đời quan tâm và gần gũi với nông dân và nông thôn Việt Nam. Bác sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, trong trái tim của những người nông dân cần cù, chất phác, thủy chung.


Các tin khác