CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC QUA 5 NĂM THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 217, 218- QĐ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HÀM TÂN

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ban Thường vụ Huyện ủy và các tổ chức Đảng, các cơ quan, ban ngành huyện Hàm Tân đã cụ thể hóa các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Qua 5 năm, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân được triển khai cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả tích cực; quyền, trách nhiệm, vai trò và vị thế của Mặt trận, các đoàn thể chinh trị- xã hội từ huyện đến cơ sở được nâng lên. Ban Thường vụ Huyện ủy và cấp ủy cơ sở đã định hướng và phê duyệt nội dung giám sát, phản biện xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện và cơ sở xây dựng kế hoạch, tiến hành giám sát xã hội được 262 nội dung, thực hiện phản biện xã hội 03 nội dung; sau giám sát đề nghị, kiến nghị với cấp có thẩm quyền 73 nội dung, đã giải quyết được 61 nội dung, còn 12 nội dung đang giải quyết liên quan đến biên chế, mua sắm tài sản vả chế độ chính sách đang được triển khai thực hiện. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; phản biện xã hội dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án đường giao thông nông thôn, đề án giảm nghèo của huyện giai đoạn 2016 – 2020 của UBND huyện; góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội, dự thảo Quy chế làm việc của UBND huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021, Kế hoạch, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quang cảnh hội nghị đối thoại với đại biểu thanh niên huyện

Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy, cấp ủy cơ sở ban hành Kế hoạch và tiến hành tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; đã tổ chức được 140 cuộc đối thoại với cán bộ trong ngành y tế, giáo dục, cán bộ, đoàn viên, hội viên của Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, các chức sắc tôn giáo, dân tộc tiêu biểu, hội viên Hội doanh nhân và nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn...; ghi nhận trên 1.000 lượt ý kiến/ 1.345 nội dung; đã giải quyết xong 1.081 nội dung; còn 264 nội dung đang trong thời gian giải quyết. Qua đối thoại, kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tình hình nổi lên của từng địa phương, giải thích và giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc trong nhân dân; tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền địa phương. Sau các buổi đối thoại, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành văn bản đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành tham mưu giải quyết kiến nghị của nhân dân đảm bảo thời gian.

Quang cảnh hội nghị đối thoại với nhân dân xã Tân Thắng

Những kết quả đạt được qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị đã cho thấy sự chuyển biến tích cực của Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp, cơ nắm được nội dung, phương pháp trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; các hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung vào những vấn đề bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội trong việc tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng được thể hiện rõ nét; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo. Qua đó, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, công chức trong công tác tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc được nâng lên góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của huyện.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 vẫn còn những mặt hạn chế: Việc lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội còn lúng túng; năng lực, kỹ năng, phương pháp giám sát của tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa đáp ứng theo yêu cầu; Công tác phản biện xã hội còn ít, chủ yếu thực hiện bằng hình thức góp ý kiến vào văn bản dự thảo là chính. Một số tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và đoàn viên, hội viên, nhân dân chưa chủ động trong việc góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, chủ yếu thực hiện việc góp ý khi được cấp ủy, chính quyền, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị yêu cầu. Nhân dân nêu ý kiến chủ yếu một số nội dung liên quan đến những vấn đề bức xúc (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điện, đường, nước, các chế độ chính sách...) còn những ý kiến góp ý việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cán bộ, đảng viên còn ít quan tâm.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị cần thực hiện các nội dung sau:

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nội dung Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) và các văn bản của tỉnh, huyện rộng rãi trong nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các hình thức sinh hoạt chi, tổ hội tại địa bàn dân cư; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội; tổ chức góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tăng cường công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, kịp thời giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Hai là, Hội đồng nhân dân, UBND, các cơ quan, ban, ngành từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt việc công khai, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách; thường xuyên gửi các văn bản dự thảo về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện, các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; các chương trình, đề án, dự án của huyện... đến Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội để thực hiện công tác giám sát và yêu cầu phản biện xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến góp ý theo quy định; xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Ba là, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu, đề xuất cấp ủy định hướng nội dung và triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội hàng năm; nâng cao chất lượng, năng lực, kỹ năng và phương pháp giám sát, phản biện; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị sau giám sát của đối tượng được giám sát. Phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức đối thoại theo định kỳ hàng năm giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp với nhân dân; có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của các đơn vị đã được giám sát.

Bốn là, cấp ủy cơ sở, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị.


Các tin khác