Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết) là một trong những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng; thực hiện có hiệu quả, toàn diện, đồng bộ các mục tiêu và giải pháp đề ra trong Nghị quyết sẽ đưa đất nước ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của nhân dân được nâng lên. Với Hàm Tân là một huyện thuần nông, 70% dân số sinh sống bằng nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thiếu, yếu, tỷ lệ lao động chưa có việc làm còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn thì việc đưa Nghị quyết vào thực tiễn có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước"; cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Tân đã tập trung lãnh, chỉ đạo, điều hành, vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được nêu trong Nghị quyết vào điều kiện thực tế của địa phương, phát huy tốt vai trò phản biện, giám sát, tuyên truyền của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy sáng tạo và tính cần cù của các tầng lớp nhân dân trong huyện đã mang lại những kết quả quan trọng.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện có bước phát triển và chuyển dịch đúng hướng; chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tiềm năng, thế mạnh trên từng lĩnh vực. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nông dân được đầu tư nhiều mặt, nhất là các công trình thủy lợi hoàn thành bước đầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân; xây mới và nâng cấp hơn 336,99 km đường giao thông nông thôn với vốn đầu tư 478,292 tỷ đồng góp phần kết nối các tuyến đường huyết mạch từ khu dân cư đến khu sản xuất. Các hoạt động đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, huy động, hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế được thực hiện một cách mạnh mẽ, rộng khắp. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng đáng kể; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được quan tâm; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 402,3 tỷ đồng năm 2017, tăng 6,9% so với năm 2008. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp, tăng tỷ trọng nhóm công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từ 11,72% năm 2008 giảm xuống còn 6,15% năm 2017; thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, từ 8,98 triệu đồng/năm 2008 lên 37,57 triệu đồng/năm 2017; văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được quan tâm củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên; dân chủ cơ sở được phát huy; lòng tin của người dân nói chung, nông dân nói riêng vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố; đặc biệt, lãnh đạo xây dựng 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 150% kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của huyện, nông nghiệp phát triển chưa bền vững, tỷ trọng công nghiệp thấp, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chính sách ưu đãi đối với phát triển nông nghiệp còn ít, đời sống của dân cư nông thôn được cải thiện nhưng chưa nhiều, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với các địa phương trong tỉnh. Do đó, để việc thực hiện Nghị quyết ngày càng lan tỏa, sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ góp phần thúc đẩy kinh tế huyện Hàm Tân phát triển chuyển dịch đúng hướng, trở thành một trong những huyện có nền kinh tế khá của tỉnh trong thời gian tới; thiết nghĩ bên cạnh những giải pháp mà huyện đề ra như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết, phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và phát huy ngày càng tốt các thành tựu khoa học, công nghệ để ứng dụng vào sản xuất; quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn khó khăn; khuyến khích đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề nông thôn và các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn... thì Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành của tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trong đó ưu tiên đầu tư thủy lợi, điện, đường giao thông; xây dựng quy hoạch, đầu tư nhà máy chế biến nông sản giúp tiêu thụ nông sản của nông dân, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các dự án du lịch... trên địa bàn huyện; Trung ương, Chính phủ, các Bộ, ngành cần có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với hoạt động của các mô hình sản xuất nông nghiệp, tăng mức hỗ trợ hàng năm đối với các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, nhất là hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện các chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, xã và huyện theo tinh thần Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; có cơ chế, chính sách trợ cước, trợ giá giúp bình ổn giá đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp để huyện nghèo như Hàm Tân có thêm điều kiện để thực hiện, đưa Nghị quyết vào thực tiễn có hiệu quả.


Các tin khác