Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm

Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm, xem xét, kết luận rõ đúng, sai để giúp cho tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra thấy được ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm và xử lý kịp thời những vi phạm để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

     Có thể thấy kiểm tra tổ chức Đảng và Đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đã được quy định trong Chương VII, Chương VIII của Điều lệ Đảng khóa XI. Đây là nhiệm vụ của các tổ chức Đảng có thẩm quyền, mà trước hết là của Ủy ban Kiểm tra các cấp nhằm xem xét, kết luận tổ chức Đảng và đảng viên có hoặc không có vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc của Đảng, tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; đồng thời xem xét xử lý kỷ luật Đảng kịp thời đối với các trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý nghiêm minh để góp phần vào việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng Đảng viên.

     Qua thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong những năm qua của Đảng bộ huyện Hàm Tân cho thấy: Nhận thức của hầu hết các cấp ủy đảng, đảng viên và Ủy ban Kiểm tra từ huyện đến cơ sở xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa những vi phạm xảy ra, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và toàn Đảng bộ. Phần lớn đối tượng được kiểm tra đa số đều tự giác chấp hành, nhận khuyết điểm, thiếu sót và có biện pháp khắc phục sửa chữa khuyết điểm, sai phạm để tiến bộ; đội ngũ làm công tác kiểm tra từng bước nâng cao năng lực, bản lĩnh vững vàng, nắm vững quy trình và phương pháp kiểm tra nên khi thực hiện mang lại hiệu quả tích cực.

     Tuy nhiên, việc phát hiện, xác định, quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm vẫn còn có những hạn chế, đó là:

     Một số cấp cơ sở nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn về ý nghĩa, tác dụng của nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm nên chưa thật sự quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo, còn trình trạng khoán trắng cho Ủy ban Kiểm tra việc phát hiện, kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm thiếu chủ động.

     Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng phát hiện, tổng hợp, phân tích, đánh giá... của cán bộ làm công tác kiểm tra ở cơ sở còn hạn chế, nhất là lúng túng trong việc xác định đối tượng kiểm tra, chưa tập trung kiểm tra cấp ủy viên cùng cấp, chưa quyết định kiểm tra khi còn manh nha, chỉ khi sai phạm đã rõ, gây dư luận xấu mới tiến hành kiểm tra; kết quả kiểm tra chưa phản ánh đúng thực tế và tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, từ đó làm hạn chế tính phòng ngừa, tính chiến đấu, tính giáo dục và hiệu quả kiểm tra.

     Công tác nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra chưa chủ động, thiếu toàn diện, chưa tương xứng với tình hình dấu hiệu vi phạm xảy ra.

     Vẫn còn tình trạng ngại va chạm, nể nang, né tránh, thiếu kiên quyết; tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ chủ chốt của địa phương, đơn vị khi có dấu hiệu vi phạm rất ngại bị kiểm tra, cho kiểm tra là ảnh hưởng đến uy tín của tập thể, cá nhân hoặc mặc cảm.

     Nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên ngày càng tinh vi, phức tạp về tính chất, mức độ, quy mô nên khó phát hiện. Một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy chưa nhận thức đầy đủ, chưa nêu cao trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm từ nhiều nguồn thông tin, thiếu chủ động trong việc nắm tình hình... từ đó hiệu quả, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay.

     Với những hạn chế trên, để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong Đảng bộ huyện, các cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra từ huyện đến cơ sở cần phải:

     Thứ nhất, nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xác định công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện và đưa vào tiêu chí bắt buộc để đánh giá thi đua hàng năm.

     Thứ hai, kiểm tra phải coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; kiểm tra chủ động để phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện, khắc phục thiếu sót khuyết điểm, vi phạm ngay từ lúc mới manh nha.

     Thứ ba, cán bộ kiểm tra phải nắm vững Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh vững vàng, có tinh thần đấu tranh bảo vệ các quan điểm của Đảng.

     Thứ tư, phải dựa vào tổ chức đảng; phát huy tinh thần tự giác của đảng viên; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; làm tốt công tác thẩm tra, xác minh; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hình thức kiểm tra phù hợp với từng đối tượng và thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra theo quy định.

     Thứ năm, nắm bắt tình hình bằng nhiều kênh thông tin, nhất là bám sát địa bàn cơ sở, tiếp cận các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí hưu trí, cán bộ thôn, xóm... để nhận, khai thác thông tin. Đây là nguồn thông tin quan trọng để phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên từ khi mới manh nha.

     Nếu các giải pháp trên được vận dụng thực hiện sẽ có tác dụng lớn trong công tác ngăn ngừa không để khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng và đưa công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của Đảng bộ huyện  được thực hiện tốt hơn, đúng theo quy định của Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ huyện ngày càng trong sạch, vững mạnh./.


Các tin khác