Ký ức Điện Biên

Trong ký ức của những người lính đã từng hy sinh tuổi thanh xuân và 1 phần máu xương của mình trên chiến trường Điện Biên ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc về một  thời máu lửa. Trong đó có những người lính, những người dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên và hiện nay đã và đang sống trên quê hương Hàm Tân-Bình Thuận. Trong những ngày cả nước náo nức kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp tìm về với 3 nhân chứng sống lịch sử ngày nào, những người lính năm xưa đã chọn Hàm Tân làm quê hương thứ hai của mình.

Ký ức Điện Biên của người lính pháo cao xạ

Ông Nguyễn Xuân Tùng, sinh năm 1930, ở Thuận Thiên, Thanh Hóa. 16 tuổi đã từ bỏ cuộc sống êm ấm bên gia đình để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Ông kể: Cả một thế hệ chúng tôi, được đi lính phục vụ Tổ Quốc là niềm ước ao cháy bỏng. Ai cũng chỉ mong được cầm súng ra trận chiến đấu. Nhưng vì, ngày ấy ông chưa đến tuổi tham gia quân ngũ nên đã nhiều lần bị từ chối, nhưng bằng nhiều cách và với lòng kiên quyết nên đã được tổ chức chấp nhận, và chập chững bước vào đời lính.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông gia nhập đơn vị pháo cao xạ 37ly. Hiện nay, dù tuổi đã cao, sức đã yếu và phải đang nằm điều dưỡng ở bệnh viện Hàm Tân. Nhưng khi chúng tôi khơi gợi lại những năm tháng hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ, ông minh mẫn lạ thường và ký ức của một thời trai trẻ ùa về.

Nhiệm vụ chiến đấu của ông ở vị trí đo tầm xa của máy bay để phát hiệu lệnh cho pháo thủ ngắm bắn.  Ông kể: ngày đó chiến trường rất ác liệt, trong suốt 2 năm chuẩn bị cho chiến dịch, không ngày nào là không có máy bay địch càn quét. Vì vậy, mỗi khi máy bay địch bị bắn rơi, thì những người lính cao xạ càng quyết tâm và tin vào chiến thắng hơn.

Suốt buổi gặp gỡ, ông còn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện chiến đấu, chuyện đời thường dung dị mà ý nghĩa về ý chí, nhiệt huyết tuổi trẻ của những người lính cao xạ năm xưa. Những con người anh dũng đã góp phần quan trọng làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Những người đã truyền lửa nhiệt huyết cho tuổi trẻ chúng tôi.

Ký ức Điện Biên: nhớ về những đồng đội anh dũng hy sinh

 Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Xuân Đoài, sinh năm 1924 ở khu phố 6, thị Trấn Tân Nghĩa. Ở tuổi gần 90 nhưng cốt cách của người chiến sĩ bộ binh năm xưa vẫn còn rất rắn rỏi và tinh anh. Mỗi kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ được ông cất giữ nguyên vẹn trong trí nhớ của mình.

         Tham gia trận chiến điện biên phủ, ông được phân công vào tiểu đoàn 9, đại đội 9 thuộc sư đoàn 316 trực tiếp tham gia chiến đấu cố thủ ở đồi A1. Sau nhiều ngày đêm phá núi , mở đường và khi mọi vị trí đã sẵn sàng để chờ lệnh tiến công thì ngay sau đó lại nhận lệnh hoãn binh. Ông kể: Khó nhọc lắm mới vào đến trận địa nên khi nhận được lệnh, tất cả chúng tôi đều bất ngờ và bàng hoàng.  3 ngày liên tiếp sau đó, đơn vị đã chiếu cho chúng tôi xem bộ phim tư liệu Đức tấn công Liên Xô để rút kinh nghiệm từ trận đánh của các nước lớn, sau đó ban chỉ huy sư đoàn  đã giải thích cho anh em rằng tinh thần chiến dịch không thay đổi, quân ta vẫn quyết sống còn với giặc Pháp trên mặt trận này, chỉ có phương châm tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đảm bảo cho các cuộc tấn công thắng lợi, ít thương vong. Hiểu được vấn đề, chiến sĩ lại vui vẻ động viên nhau tiếp tục chờ lệnh chiến đấu.

Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, đơn vị ông đã nhanh chóng chiếm được đồi Him Lam, tiếp đến là đồi Độc Lập. Lúc này, chiến dịch đang ở giai đoạn ác liệt. Trên đường tiến công, số anh em bị bắn và hy sinh rất nhiều trong khi lực lượng quân y chưa tới nên chiến sĩ phải nằm la liệt trên lối đi. Khiến ông và những người đồng đội bần thần không dám bước. nhưng vì nhiệm vụ, họ phải gạt nước mắt và xung phong.  Nói đến đây, ông dừng câu chuyện, bùi ngùi nhớ về những đồng đội năm xưa. Đôi mắt của người lính già mờ đi, có lẽ 60 năm qua giây phút ấy vẫn trăn trở trong tâm can: giây phút phải bước qua xác đồng đội để tiến lên, chưa bao giờ tôi có thể quên. Ngay sau chiến dịch, có người tìm thấy xác, người bị vùi lấp dưới hầm hào. Thương các đồng chí, đồng đội của mình vô cùng.

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đoài lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới lại làm trung đội trưởng dân quân tự vệ chỉ huy bắn máy bay tại quê nhà Thanh Hóa. Sau chiến tranh, ông cùng con cháu đi lập nghiệp ở Hàm Tân từ năm 1988 cho đến nay.

Ký ức Điện Biên

của Người lính tải thương 7 lần gặp Bác Hồ và 12 lần gặp tướng Giáp

Với chiến sĩ Trần Xuân Ngọc ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh thì Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành một phần đời ông. Cuộc đời quân ngũ của người chiến sĩ này trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh khác nhau. Nhưng với ông, chiến dịch Điện Biên Phủ là quãng thời gian đáng nhớ nhất. Ông còn nhớ như in từng trận bom địch bắn phá, từng lần cấp cứu thương binh, từng bước đường chuyển thương, từng nắm cơm, hạt muối trong cảm xúc và niềm tự hào vô bờ bến. Đó cũng là lúc ông có dịp gặp Bác Hồ và được đi chung xe với tướng Giáp.

Rồi những ngày chiến thắng trở về, ông vẫn không sao quên được cái tay bắt mặt mừng, cái ôm thắm thiết của người hậu phương dành cho lính Điện Biên. Cơ duyên gắn bó với mảnh đất Hàm Tân xuất phát từ một mối tình bộ đội. Sau khi hoàn thành công tác tải thương ở mặt trận Điện Biên Phủ, ông cùng đơn vị được chuyển về Cao Bằng và cùng kết duyên với người con gái nơi ông đóng quân.   Sau đó, vợ chồng ông cùng con cái vào nam lập nghiệp và đã chọn Hàm Tân làm quê hương thứ hai của mình, cuộc sống đang trôi qua những ngày hạnh phúc tuổi già. Nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa mãi sống và cháy rực trong trái tim những người lính tải thương năm ấy.

60 năm là cả một chặng đường dài, đất nước đã có những thay đổi lớn kể từ ngày ấy. Song để có được ngày hôm nay chúng ta không bao giờ quên sự đóng góp và hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc. Với thế hệ trẻ, những câu chuyện của những người lính Điện Biên năm xưa sẽ là những bài học vô cùng quý giá về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và xây dựng quê hương Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Các tin khác