Hàm Tân - 15 năm xây dựng và phát triển

15 năm  - một chặng đường không dài, song cũng đủ để làm thay đổi diện mạo một vùng đất còn nghèo khó bằng sự nỗ lực không ngừng, đoàn kết một lòng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân huyện Hàm Tân qua các thời kỳ. Những đổi thay đó là kết quả của một quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị, đã tạo sự chuyển biến tích cực trên các mặt của đời sống xã hội huyện nhà, diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc, đời sống của đại bộ phận nhân dân được nâng lên.

Triển khai thực hiện Nghị định số 114/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã La Gi, huyện Hàm Tân còn lại 73.914 ha diện tích tự nhiên và 70.515 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã Tân Thắng, Sơn Mỹ, Tân Hà, Tân Xuân, Tân Nghĩa, Sông Phan, Tân Đức, Tân Phúc và thị trấn Tân Minh. Đây là dấu mốc quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện bắt tay vào hành trình xây dựng, phát triển Hàm Tân. Ngày 03/12/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 176/2007/NĐ-CP, theo đó, thành lập xã Thắng Hải thuộc huyện Hàm Tân trên cơ sở điều chỉnh 9.898 ha diện tích tự nhiên và 6.062 nhân khẩu của xã Tân Thắng và thành lập thị trấn Tân Nghĩa thuộc huyện Hàm Tân trên cơ sở toàn bộ 5.520 ha diện tích tự nhiên và 12.679 nhân khẩu của xã Tân Nghĩa. Như vậy, đến nay huyện Hàm Tân có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 08 xã và 02 thị trấn. Khi mới thành lập, huyện gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, xuất phát điểm về mọi mặt còn thấp; trong 9 xã, thị trấn có 04 xã thuộc chương trình 135, 01 xã nghèo và 01 xã bãi ngang; nền kinh tế thuần nông; tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở hạ tầng lạc hậu, đường sá đi lại không thuận lợi; cơ sở y tế, giáo dục còn thiếu, nhiều vùng chưa có điện lưới quốc gia để sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo hướng tự phát, tiểu thủ công nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, thương mại dịch vụ không đáng kể, trình độ dân trí còn thấp, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp... Là huyện thuần nông, đất nông nghiệp chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy Hàm Tân lấy nông nghiệp làm chủ đạo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, kiến nghị tỉnh đầu tư nhiều công trình thủy lợi như Hồ chứa nước Sông Dinh 3 và hệ thống kênh chuyển nước, đập dâng Sông Phan, Hồ Tân Hà, kênh tiếp nước Biển Lạc-Hàm Tân,…; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp đem lại hiệu  quả kinh tế cao cho người dân. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây ăn quả là 4.861 ha với sản lượng 65.455 tấn, cây lâu năm là 7.495 ha với sản lượng 8.326 tấn, cây hằng năm là 18.034 ha với sản lượng 332.884 tấn; có 38 trại chăn nuôi tập trung, đàn gia súc 97.754 con, đàn gia cầm 483.249 con. Trồng rừng tập trung hàng năm vượt kế hoạch, duy trì trên 1.000 ha mỗi năm; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 248 ha/năm; tổng số tàu thuyền hiện có 204 chiếc, công suất 6.172 cv, bình quân 30,3 cv/chiếc; khai thác hải sản bình quân hàng năm trên 2.000 tấn. Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã bắt tay ngay vào công việc quan trọng này, đã tranh thủ và tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật với tổng nguồn vốn gần 900 tỷ đồng; ngoài ra, trên địa bàn huyện còn được cấp trên đầu tư các công trình về giao thông, thủy lợi, cấp nước với tổng kinh phí trên 2.500 tỷ đồng. Được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, gắn với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, toàn huyện đã thực hiện bê tông nhựa hóa, cứng hóa được 417 km đường giao thông do huyện quản lý, phục vụ thiết thực nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cũng như góp phần tạo diện mạo mới về hạ tầng giao thông của huyện. Khu trung tâm hành chính huyện từng bước được hình thành, đến nay trụ sở làm việc các cơ quan, hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, cây xanh được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh. Cơ sở hạ tầng khu trung tâm các xã, thị trấn được nâng cấp, xây dựng mới; hệ thống trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, khang trang hơn, đã khắc phục phòng học tạm bợ, dột nát; đưa điện về cho các vùng sâu, vùng xa… Hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ có bước phát triển, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của Nhân dân; hệ thống chợ được đầu tư xây dựng hoàn thành tại 09/10 xã, thị trấn. Hoạt động phát triển du lịch được quan tâm thực hiện, tỉnh chấp thuận 18 dự án du lịch, có 01 dự án đã di vào hoạt động, 02 dự án đang triển khai. Các ngành sản xuất công nghiệp có bước phát triển, từ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 500 tỷ đồng. Tích cực phối hợp kêu gọi, triển khai đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đến nay đã quy hoạch 03 khu công nghiệp, 05 cụm công nghiệp. Qua triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện nay có 7/8 xã đã đạt chuẩn và thực hiện  duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục xây dựng xã Tân Thắng đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng ít nhất 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới trong thời gian tới. Những kết quả đó là tiền đề để huyện tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách, giải quyết việc làm, đào tạo nghề được Đảng bộ, chính quyền huyện nhà tập trung thực hiện.  Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chế độ chính sách đối với đồng bào được triển khai kịp thời, bảo đảm đúng đối tượng; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vận động nhiều nguồn lực để chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các chương trình giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Nhờ đó, từ một huyện đầu năm 2006 có tới  3.113  hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,02%, đến cuối năm 2019 số hộ nghèo là 661 hộ, chiếm tỷ lệ 3,3%. Dự kiến đến cuối năm 2020, giảm còn 500 hộ, tương ứng tỷ lệ dưới 2,5%. Phong trào văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao được triển khai rộng khắp; các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư, 8/8 xã có nhà văn hóa, khu thể thao, xây dựng Nhà thi đấu thể dục thể thao, Trung tâm văn hóa huyện; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  được đông đảo người dân trên địa bàn hưởng ứng, gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tiến bộ; đầu tư xây dựng Trung tâm y tế huyện, 02 Phòng khám đa khoa khu vực, 08 Trạm y tế xã với tổng quy mô 270 giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân; đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế được quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng chuyên môn. Trên lĩnh vực giáo dục, quy mô mạng lưới trường học ở địa phương ngày càng phát triển với 36 trường học thuộc huyện quản lý và hình thành được 03 trường THPT phân bổ đều trên 03 khu vực của huyện; chất lượng dạy và học được nâng lên, cơ sở vật chất ngày càng đáp ứng tốt cho nhu cầu giảng dạy và học tập. Từ huyện  chưa có trường đạt chuẩn quốc gia, thì đến nay có 16 trường đạt chuẩn quốc gia. Song song đó, công tác xây dựng chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn; cải cách hành chính được đẩy mạnh. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí được thực hiện khá tốt. Tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại trực tiếp với công dân kịp thời, chặt chẽ, đúng pháp luật. Những năm qua, Hàm Tân luôn chú trọng đến việc lãnh đạo đảm bảo giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng lực lượng và nâng cao chất lượng chính trị được chú trọng; đã hoàn thành việc bố trí công an chính quy về công tác tại 8/8 xã. Công tác tuyển quân, giao quân đều đạt 100% chỉ tiêu. Hằng năm tổ chức huấn luyện và huy động kiểm tra sẵn sàng chiến đấu cho dân quân tự vệ, dự bị động viên đạt chỉ tiêu đề ra. Công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng quân sự được nâng lên. Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của cả nước, của tỉnh, với tiềm năng lợi thế của huyện, nhất là khi dự án đường cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án du lịch, các tuyến đường giao thông, các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo động lực cho kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển. Song, dự báo tình hình thời tiết, dịch bệnh sẽ diễn biến khó lường; sản xuất của huyện chủ yếu vẫn là nông nghiệp, quy mô sản xuất còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, giá cả thị trường không ổn định; chất lượng nguồn nhân lực thấp; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ; vốn đầu tư từ ngân sách còn nhiều khó khăn, hạn chế; dịch vụ y tế, giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu, đời sống một bộ phận Nhân dân còn khó khăn; trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp. Đó là những thách thức, gây trở ngại không ít đối với sự phát triển chung của huyện. Bối cảnh đó  đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân huyện nhà cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; đồng thời chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính trung và dài hạn, tạo tiền đề thuận lợi cho huyện bước vào giai đoạn phát triển mới. Huy động tốt các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu ổn định, phát triển kinh tế, thực hiện bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; phát triển giáo dục đào tạo, văn hóa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nhìn lại chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Tân có đủ niềm tin và sức mạnh để cùng nhau đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn xây dựng quê hương Hàm Tân ngày càng giàu đẹp, văn minh, đưa huyện nhà tự tin, vững bước phát triển vươn lên tầm cao mới, toàn diện, vững chắc hơn./.


Các tin khác