HUYỆN HÀM TÂN: VƯỢT KHÓ ĐI LÊN

Ngày 01/12/2005, đã trở thành dấu mốc quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Tân khi huyện Hàm Tân (cũ) được chia tách thành thị xã LaGi và huyện Hàm Tân theo Nghị định số 114/2005/CP-NĐ, ngày 05/9/2005 của Chính phủ. Với xuất phát điểm thấp, khó khổ trăm bề, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Tân đã đoàn kết, đồng lòng vượt khó đi lên và đạt được nhiều thành quả đáng tự hào.

Trung tâm hành chính huyện

Sau điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Hàm Tân (mới) bắt đầu chặng đường xây dựng và phát triển trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Hàm Tân là huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, đời sống của phần lớn nhân dân còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao (21,02%), có 04 xã thuộc chương trình 135 và 01 xã đặc biệt khó khăn, 01 xã bãi ngang ven biển, đội ngũ cán bộ thiếu và chưa ổn định, cơ sở làm việc phân tán, thiếu thốn… Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng với quyết tâm chính trị cao nhất, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh và bằng ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ý thức nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, vì vậy 15 năm qua huyện đã gặt hái nhiều thành quả rất đáng phấn khởi.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành sản xuất tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 14,4 lần. Từ chỗ công nghiệp nhỏ lẻ, đến nay trên địa bàn huyện được quy hoạch 03 khu công nghiệp, 05 cụm công nghiệp. Thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, có 8/9 chợ/9 xã, thị trấn đã đưa vào hoạt động. Du lịch từ chỗ không có gì, đến nay có 18 dự án du lịch, trong đó có 17 dự án được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực và 01 điểm du lịch công đồng. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá tích cực. Từ một vùng đất khô hạn, đồi dốc, sỏi đá, đất cát bạc màu, đến nay đã hình thành một số vùng chuyên canh các loại cây ăn trái, cây công nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế cao như nhãn xuồng, quýt đường, thanh long, dưa lưới, điều, cao su, sản xuất hạt giống, nông nghiệp công nghệ cao… chăn nuôi phát triển ổn định theo hướng chăn nuôi tập trung, toàn huyện có 38 trang trại. Nguồn nước tưới dần chủ động, các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, đến nay toàn huyện đã có 7/8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 02 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Tổng thu ngân sách năm 2020 tăng gần 7 lần so với năm 2005. Việc làm, thu nhập, đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng cải thiện rõ rệt.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tăng cường đầu tư, nhất là điện, đường, trường, trạm, viễn thông. Tổng đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước trong 15 năm qua là 2.362 tỉ đồng. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp ngành giáo dục được tập trung đầu tư xây dựng; trong đó có 16/36 trường đạt chuẩn quốc gia và có 3 trường THPT. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Từ chỗ hầu như chưa có gì, đến nay 8/8 xã và 41/41 thôn có cơ sở vật chất văn hóa, thể thao theo tiêu chí nông thôn mới; tỉ lệ gia đình văn hóa tăng từ 74,36% năm 2005 lên 94,2% vào cuối năm 2019; từ chỗ chưa có thôn, khu phố văn hóa cuối năm 2019 có 53/53 thôn, khu phố văn hóa, trong đó nhiều thôn, khu phố giữ chuẩn thôn, khu phố văn hóa 10 đến 15 năm liền; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị. 15 năm qua toàn huyện đã xây dựng mới 1.915 căn nhà tình thương, căn bản xóa xong nhà ở tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 21,2% năm 2005 (theo chuẩn cũ) xuống còn dưới 2,5% năm 2020 (theo chuẩn mới); dân sinh - kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều phát triển đáng kể. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm phát triển rộng khắp, không để bị động, bất ngờ. Giao quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu, chất lượng giao quân ngày càng tăng lên.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tập trung củng cố, kiện toàn. Công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng được chú trọng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hướng về cơ sở. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng; 15 năm qua đã tạo điều kiện và cử gần 1.580 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị trong và ngoài tỉnh; trình độ chuyên môn có 07 thạc sỹ;  kết nạp 1.019 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên từ 430 năm 2005 lên 1.594 vào tháng 10/2020; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được phát huy. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp thích hợp, sát với tình hình thực tế. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực… đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, quản lý, xây dựng và phát triển huyện nhà.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, có thể thấy Hàm Tân (mới) đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, nội lực kinh tế - xã hội được tích lũy lớn mạnh hơn, bộ mặt nông thôn và đô thị khang trang hơn, đội ngũ cán bộ trưởng thành hơn, nhân dân an vui, hạnh phúc hơn, đời sống ngày càng nâng lên về mọi mặt.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát để xây dựng và phát triển huyện nhà trong 5 năm tới đó là: Huy động tốt các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đồng thời thực hiện tốt 05 nhiệm vụ trọng tâm và 02 giải pháp đột phá mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Thành quả 15 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đạt được thật đáng trân trọng và tự hào. Với niềm tin mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao nhất, chúng ta có quyền hi vọng rằng huyện Hàm Tân ngày càng phát triển, phấn đấu sẽ là một trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh trong tương lai không xa./.


Các tin khác