Kết quả 10 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 - 2020”

Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 29/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”; Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011- 2020”;  các Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; các Nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội, của Tỉnh Hội về công tác xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân. Hội Nông dân huyện đã quán triệt trong Ban Chấp hành và xây dựng 01 đề án, 03 kế hoạch triển khai thực hiện. 

Trong 10 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 - 2020”, cùng với sự chỉ đạo của Hội Nông dân Trung ương, Tỉnh. Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiện toàn bộ máy, quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện và cơ sở; kiện toàn Ban vận động, Ban điều hành, Ban kiểm soát; thực hiện nghiêm túc quy định về mức thu phí, phương án sử dụng vốn, mức cho vay. Thông qua các buổi sinh hoạt Chi, Tổ Hội tuyên truyền, phổ biến được 955 buổi với 16.363 lượt hội viên tham dự. Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân được thực hiện khi có thay đổi về nhân sự; với thành viên Ban điều hành, Ban kiểm soát là cán bộ chuyên trách thuộc Hội Nông dân huyện. Sau khi kiện toàn có Quy chế phân công cụ thể cho từng thành viên, đồng thời phân công kế toán, cán bộ nghiệp vụ, thủ quỹ; có con dấu riêng và mở tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hàm Tân. Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Tân, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy củng cố, kiện toàn Ban vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Hàm Tân.

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ dự án "Chăn nuôi bò sinh sản"

Kết quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân: tổng dư nợ 1.438,403 triệu đồng/115 hộ vay/19 dự án (Trong đó: nguồn Quỹ cấp cơ sở vận động (huyện quản lý) cho vay 313,403 triệu đồng/ 45 hộ vay/10 tổ; nguồn Quỹ huyện vận động cho vay 03 dự án/ 12 hộ vay/ 125 triệu đồng; nguồn Quỹ Tỉnh ủy thác cho vay 06 dự án/45 hộ vay/600 triệu đồng; nguồn Quỹ Trung ương ủy thác cho vay 01 dự án/13 hộ vay/400 triệu đồng). Việc cho vay vốn được thực hiện theo đúng quy trình thủ tục, lập hồ sơ dự án vay vốn. Chỉ đạo, lựa chọn mô hình theo định hướng phát triển của địa phương đảm bảo tính khả thi của dự án. Hoàn thiện hồ sơ dự án vay vốn theo đúng Hướng dẫn số 82-HD/QHTTW,  ngày 22/12/2014 của Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hàng năm, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện lập kế hoạch cho vay vốn; kế hoạch phân bổ nguồn vốn khi có nguồn vốn Trung ương, tỉnh đảm bảo khách quan, minh bạch và công bằng, phù hợp với từng đơn vị được thụ hưởng vốn vay.

Hội Nông dân huyện và cơ sở tham dự đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ Ban Điều hành Quỹ do Hội Nông dân tỉnh (03 lớp/6 lượt cán bộ huyện; lồng ghép 09 lớp /97 lượt cán bộ chủ chốt của huyện và cơ sở), huyện (01 lớp/20 lượt cán bộ huyện và cơ sở; lồng ghép 09 lớp/765 lượt cán bộ Hội cơ sở) tổ chức. Hướng dẫn các cơ sở Hội về thực hiện Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm nâng cao năng lực hoạt động và quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân trong đó chú trọng chuyên đề nghiệp vụ và kỹ năng xây dựng dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra hoạt động, nghiệp vụ, công tác tài chính Quỹ Hỗ trợ nông dân cơ sở, trong 10 năm thực hiện được 158 cuộc. Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 111 lớp đào tạo, dạy nghề cho 3.470 hội viên nông dân; 545 lớp tập huấn/ 22.417 lượt người dự, 165 buổi hội thảo/ 4.500 lượt người dự và triển khai hơn 80 mô hình được hội viên nông dân thực hiện và nhân rộng. Ngoài ra, các cấp Hội đã tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều địa phương để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi.

Ngoài ra, Hội Nông dân Hàm Tân được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác với dư nợ 91,124 tỷ đồng/ 2.895 hộ/ 62 tổ; số dư tiết kiệm 3,624 tỷ đồng/ 2.822 hộ. Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT ủy thác với dư nợ 162,517 tỷ đồng/1.663 hộ vay/65 tổ; Có 10/10 xã, thị trấn ký Hợp đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT trên địa bàn để tham gia thực hiện một số khâu của nghiệp vụ tín dụng do Ngân hàng ủy nhiệm.

Từ việc cho vay vốn đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của nông dân, tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, khẳng định được vai trò, vị thế và làm trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm cho hoạt động Hội và phong trào nông dân có nội dung phong phú hơn, có lợi ích cụ thể, thu hút được đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt, chất lượng hoạt động được nâng lên.

Để thực hiện có hiệu quả tốt nhất Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011-2020”, thời gian tới cần tiếp tục: Thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy chỉ đạo HĐND, UBND hàng năm bổ sung từ ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân theo lộ trình thực hiện Đề án hàng năm để giúp cho hội viên nông dân có điều kiện về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống; tạo sự gắn bó giữa hội viên với Hội và thu hút, tập hợp hội viên nông dân. Tuyên truyền vận động sâu rộng, tích cực tham mưu tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở về chủ trương vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân; không ngừng phổ biến, quán triệt trong các cấp Hội và hội viên nông dân về Đề án và Điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đổi mới nội dung hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, đảm bảo nguồn vốn được bảo toàn và phát triển, hỗ trợ có hiệu quả nhu cầu vốn của hội viên nông dân./.  


Các tin khác