Một số giải pháp xây dựng gia đình văn hóa

Hàm Tân là một huyện miền núi của tỉnh, có nhiều thành phần dân cư từ nhiều vùng miền cùng sinh sống, người dân phụ thuộc vào nông nghiệp, mối quan hệ gia đình gắn bó hết sức khăng khít, vì vậy đây là điều kiện quan trọng để “xây dựng gia đình văn hóa”. Triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” trong điều kiện tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động hết sức khó lường, xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, đặc biệt là hội nhập, giao thoa trên lĩnh vực văn hóa; sự phát triển mạnh mẽ của internet xuyên biên giới vừa là thành tựu hết sức quan trọng của nhân loại nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức; sự phát triển của kinh tế thị trường, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên gắn với nhu cầu văn hóa mới đòi hỏi phải có quyết sách đúng đắn, phù hợp.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Theo đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai các giải pháp tổ chức thực hiện, trong đó xác định việc “Xây dựng gia đình văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần nâng cao ý thức giữ gìn đạo đức, thuần phong, mỹ tục, xây dựng và bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác đăng ký, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa; năm 2010, có 95% hộ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, cuối năm qua bình xét chỉ có 74,36% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; đến năm 2019 trên 97,5 hộ đăng ký, có 95,3% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; việc đăng ký, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân của huyện nhà. Nhiều phong trào như: Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học ... đã thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn đạo đức, thuần phong, mỹ tục, xây dựng và bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc xây dựng gia đình văn hóa còn có những khó khăn, vướng mắc đó là: Việc thực hiện “Xây dựng gia đình văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn còn mang tính hình thức; danh hiệu “gia đình văn hóa” có lúc, có nơi chưa được người dân xem trọng. Kinh tế ngày càng phát triển, nhưng mối quan hệ gia đình ngày càng thiếu sự gắn kết, nhất là hiện nay trong gia đình điện thoại thông minh đang góp phần làm xói mòn các giá trị văn hóa gia đình. Thực tế đang diễn ra đó là, trong mỗi gia đình từ trẻ đến già mỗi người dùng một điện thoại, ít nói chuyện, chia sẽ với nhau. Nhiều kênh thông tin, nhiều phương tiện nhất là Internet, mạng xã hội, tác động, ảnh hưởng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong gia đình, tác động không nhỏ đến đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình. Bạo lực gia đình, tình trạng ly hôn nhất là độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa thực sự là vấn đề lớn, phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp cho xã hội.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng “Xây dựng gia đình văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đó là:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò quản lý của chính quyền các cấp, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 56-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thông báo Kết luận 213-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngăn chặn, bài trừ, đẩy lùi sự xâm nhập, tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp nhất là truyền thống gia đình.

Thứ hai, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đăng ký, bình xét, xây dựng gia đình văn hóa, các phong trào thi đua, các mô hình, điển hình xây dựng gia đình tại khu dân cư.

Thứ ba, có chế tài quản lý chặt chẽ internet, mạng xã hội, góp phần làm sạch môi trường mạng, tránh tác động đến mọi mặt của đời sống gia đình.

Thứ tư, nhân ngày Gia đình Việt Nam hàng năm 28/6, cần tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, cổ động, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong toàn xã hội, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc thì xã hội phát triển./.


Các tin khác