HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

1. Hoàn cảnh ra đời

Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng được đặt lên hàng đầu nhằm tuyên truyền làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu Đảng, tin Đảng và đi theo con đường cách mạng vô sản của Đảng để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Từ yêu cầu đó, Đảng ta thành lập Ban Cổ động - Tuyên truyền để tuyên truyền, vận động, tập hợp các lực lượng trí thức, công nhân, nông dân yêu nước đứng lên theo Đảng đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.

Ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 01/8”, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Tài liệu này phát hành đã gây được dư luận rộng lớn trong xã hội đương thời. Kể từ 01/8/1930 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã diễn ra hàng trăm cuộc biểu tình của Nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc; ở một số nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, binh lính đã không bắn vào quần chúng khi đi đàn áp các cuộc biểu tình, mít tinh của Nhân dân. Từ đó, ngày 01 tháng 8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Xuất phát từ ý nghĩa chính trị to lớn trên, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã trình Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VIII và được Thường vụ Bộ Chính trị chuẩn y lấy ngày 01 tháng 8 hàng năm là Ngày Truyền thống ngành công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Đến năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01 tháng 8 hàng năm là Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

2. Một số kinh nghiệm

Một là, luôn nêu cao tinh thần cách mạng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng; đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền giáo dục sát hợp với từng đối tượng và nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ; tạo sự thống nhất nhận thức tư tưởng, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Hai là, chăm lo xây dựng ngành Tuyên giáo vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nắm vững và tin tưởng đường lối, chủ trương của Đảng; bám sát thực tiễn, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, yêu cầu bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; qua đó làm tốt công tác tham mưu cấp ủy đề ra chủ trương đúng đắn, chủ động, sáng tạo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Ba là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo cấp ủy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tuyên giáo vừa hồng, vừa chuyên; huy động mọi nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ tư là, đội ngũ cán bộ Tuyên giáo, dù trong hoàn cảnh nào, phải trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phấn đấu, rèn luyện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; giữ vững niềm tin, vượt qua khó khăn, linh hoạt triển khai công tác; có tâm huyết, nhiệt tình năng nổ, hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp Tuyên giáo của Đảng./.


Các tin khác