Các cơ quan của huyện chỉ có duy nhất 01 người khi ấy rất nhiều. Có cơ quan chưa thành lập như Đài Truyền thanh- truyền hình huyện. Việc hoàn chỉnh bộ máy cũng cần có thời gian, nhưng công việc thì không chờ đợi. Một số cơ quan hoạt động mang tính đặc thù thì trụ sở vẫn đặt tại thị xã La Gi, như Kho bạc nhà nước, nên việc giao dịch khá bất tiện, đôi khi để đem được đồng tiền về hoạt động, thủ quỹ và cả kế toán, thủ trưởng đều phải đến Kho bạc nhà nước.
Ngày đầu tiên đi làm, tất cả các phòng ban của UBND huyện đều làm việc chung tại phòng họp của xã Tân Nghĩa. Các trang thiết bị phục vụ cho công việc gần như không có gì, ngay cả bàn làm việc, máy vi tính cũng không. Thời gian đầu, một số cán bộ phải về đơn vị cũ của mình ở La Gi để nhờ hỗ trợ. Rồi điều đó cũng qua đi, cán bộ phần nhiều là rất trẻ, nhanh chóng hòa nhập và muốn khẳng định mình trong hoàn cảnh mới.
Một trong những việc cần làm của Hàm Tân là không để khoảng cách giữa huyện và cơ sở. Việc bám địa bàn là đương nhiên, bên cạnh đó, nhiều hội nghị giữa huyện và thôn, khu phố được tổ chức ngay tại cơ sở, các sự kiện của thôn, khu phố, lãnh đạo huyện đều cử người đến dự, nên cán bộ huyện có mối quan hệ rất gần gũi với hệ thống chính trị cơ sở. Mặt khác, khi chia tách địa giới, 03 xã: Sơn Mỹ- Tân Thắng- Thắng Hải càng xa thêm trung tâm huyện, cá biệt có địa bàn như thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, cả đi trung tâm huyện và trở về gần 100 km. Do vậy, những cuộc họp có thể tổ chức riêng cho 03 xã này thì phải cố gắng thực hiện; những thủ tục hành chính liên quan đến nhân dân 03 xã này dù hết giờ làm việc, cũng cố gắng làm cho xong.
Ngày đó, cán bộ của huyện phần nhiều là ngủ nghỉ tại đơn vị. Nên vào phòng ban nào cũng vậy, khách đến công tác dễ dàng nhận thấy hình ảnh những chiếc ghế xếp để gọn gàng quanh vách phòng làm việc. Cũng nhờ đó, việc chưa hoàn thành, buổi tối có thể làm thêm. Cán bộ huyện ngoài trách nhiệm với công việc còn là tình cảm với bà con nhân dân. Và ngược lại, người dân ngoài mảnh vườn, thuở ruộng của mình, còn rất quan tâm đến việc chung của cộng đồng. Không ít người hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn, không ít những phần quà giá trị đã nâng trẻ em vững bước đến trường. Những chương trình văn nghệ gây quỹ nhận được tiền tỷ để chăm lo cho những người khó khăn hơn không phải là ít, và cũng không hề đơn giản tại thời điểm đó. Một nét văn hóa mới được hình thành, “bữa cơm làng” là một ví dụ. Đó là vào ngày cuối năm, các hộ dân trong địa bàn dân cư cùng dùng một bữa cơm chung, gọi là “bữa cơm làng”. Ở đó, việc chung được mọi người bàn bạc nhiều hơn, tình cảm láng giềng được gắn bó hơn.
Thấm thoắt đã mười lăm năm, Trung tâm hành chính ngày xưa ảnh chụp từ trên cao xuống chỉ thưa thớt vài nóc nhà, những con đường đầy sỏi đỏ và chưa có tên gọi giờ đã thay màu áo mới. Những sinh viên ra trường tìm việc ngày nào, giờ đã vui trên vùng đất mới. Góc phố hàng cây cũng khác xưa. Diện mạo trung tâm huyện lỵ đang thay đổi từng ngày, thể hiện bước phát triển của huyện mới đầy khát vọng vươn lên.