CHI HỘI VHNT HÀM TÂN: Góp phần nâng cao đời sống văn học huyện nhà

Sau khi thực hiện Nghị định 114/2015/NĐ-CP của Chính phủ,  phong trào sáng tác thơ ca trên địa bàn huyện khá phát triển, như  CLB thơ ca Tân Minh đã tổ chức sinh hoạt thường xuyên, ra mắt những tập thơ lưu hành nội bộ, tổ chức nhiều chương trình giới thiệu tác phẩm thơ - nhạc được công chúng đón nhận. Tuy vậy, để tổ chức những hoạt động lớn hơn, có tầm ảnh hưởng rộng hơn thì chưa thể làm được. Việc thành lập một tổ chức của giới văn nghệ sĩ, giới thiệu mảnh đất, con người Hàm Tân ở những văn đàn lớn của tỉnh, trung ương là thực sự cần thiết và nhận được sự quan tâm cả các đồng chí lãnh đạo huyện khi ấy.

Tuy rằng quá trình chuẩn bị rất tích cực, nhưng  phải 08  năm sau khi thành lập huyện, năm 2013, Chi hội VHNT Hàm Tân mới ra đời với  06 hội viên, và hiện nay là 07 hội viên, phần lớn hoạt động trên lĩnh vực văn học.

Trong hoàn cảnh mới thành lập, khó khăn về điều kiện làm việc, anh chị em văn nghệ sĩ vẫn tận tuỵ với công việc, Chi hội VHNT Hàm Tân đã tổ chức cho hội viên đi thực tế và sáng tác, đã có nhiều tác phẩm ca ngợi tấm gương người tốt, việc tốt trong lao động, trong cuộc sống hàng ngày và cũng có những tác phẩm  kịp thời đấu tranh, phê phán cái xấu, tệ nạn trong xã hội.

Chi hội VHNT huyện cùng hội viên Hội VHNT Bình Thuận đi thực tế sáng tác tại huyện Hàm Tân.

Bên cạnh việc sáng tác, Chi hội VHNT Hàm Tân còn phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở địa phương. Chương trình triển lãm thơ và đêm thơ Nguyên tiêu được tổ chức nhân Ngày thơ Việt Nam hàng năm, đã tạo được sự kiện văn hóa của địa phương và được sự quan tâm của người yêu nghệ thuật.  Đáng chú ý là  các chương trình đêm thơ nguyên tiêu được tổ chức chu đáo, dàn dựng công phu, tạo hiệu ứng về mặt nghệ thuật,  đã nối đôi bờ rung cảm của người làm thơ và công chúng yêu thơ. Đêm thơ đầu tiên được tổ chức vào năm 2015  tại Trường THCS Tân Hà, những năm tiếp theo tổ chức tại quán cà phê Suối Mơ thị trấn Tân Nghĩa, quán cà phê  Ý Nhi   thị trấn Tân Minh, sân vườn bên dòng sông Dinh xã Tân Xuân… với việc tìm chọn  được những không gian thơ mộng, cách làm sáng tạo đã lan tỏa tình yêu thơ ca đến với nhiều địa phương trong huyện.

Tổ chức chương trình Đêm thơ Nguyên tiêu huyện Hàm Tân lần thứ I- 2015

 

Nếu nói đến tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của văn học mà không nói đến mạng xã hội là một điều thiếu sót. “Những năm gần đây, giữa tác phẩm văn học và những vấn đề xã hội dường như đã tìm được những điểm gặp gỡ tuyệt vời. Những câu chuyện có thật trong đời sống xã hội được đưa lên các trang mạng xã hội đã có sức lan tỏa, lay động trái tim người đọc. Và ở đâu đó, trong các tác phẩm văn chương, người đọc đã từng gặp, từng cảm nhận được. Tính thời sự đã giúp cho văn học tiến gần hơn, đi sâu vào đời sống xã hội để phản ánh một cách chân thực bức tranh cuộc sống vô cùng sinh động và hối hả”- nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

 Ở góc độ này, các văn nghệ sĩ Hàm Tân khá nhạy bén. Người đọc dễ dàng bắt gặp trên mạng xã hội những truyện rất ngắn, tản văn nhẹ nhàng của Huỳnh Quốc Thái; những tác phẩm tạo được sự đồng cảm, nhận được nhiều lượt “share” của tác giả Vu Trầm, Diễm Trang, Ngưng Thu. Ở những tác phẩm đó, người đọc như gặp hình ảnh của chính  mình, hoặc những hình ảnh mang hơi thở, nhịp điệu cuộc sống đương đại.

Cũng có người cho rằng mạng xã hội và kĩ thuật truyền thông đa phương tiện giúp tạo nên các sản phẩm nghệ thuật đa phương tiện, người dùng đăng nhiều hình ít chữ, ít dụng công hơn trong từ ngữ, hình ảnh sẽ lấp vào khoảng trống của ngôn từ mà vẫn lay động độc giả. Điều đó cũng đúng một phần. Tuy nhiên với nhiều tác giả của Hàm Tân, tác phẩm của họ không phải là “ít dụng công”, chỉ xuất hiện trên mạng xã hội, mà còn xuất hiện nhiều trên các văn đàn lớn, uy tín.

Tác giả Hoàng Lê Diễm Trang được nhiều độc giả biết đến với chùm thơ đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tác giả Ngưng Thu khá thành công với tập thơ “Đi qua mùa gió thổi”. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trác nhận xét: “Thơ Ngưng Thu nhẹ nhàng, giàu âm điệu, được viết ra từ những cảm xúc chân thật. Có những bài thơ tác giả như trải lòng mình, tràn ngập tình cảm, tạo được sự cuốn hút của người đọc ngay từ dòng đầu thơ tiên”. Thơ Hà Văn Công dung dị và luôn lạc quan yêu đời. Vu Trầm, người trẻ tuổi nhất của Chi hội VHNT  khá bén duyên với nhiều cuộc thi. Gần đây nhất là Cuộc thi sáng tác truyện ngắn, thơ được Hội VHNT Bình Thuận phát động trong năm 2018.  Đây là một cuộc thi lớn, các tác phẩm dự thi với nhiều đề tài khác nhau đã phản ánh sinh động những vấn đề hiện thực trong cuộc sống.Tr ong cuộc thi này, Vu Trầm vừa nhận được Giải nhất ở thể loại truyện ngắn  với tác phẩm “Lì Lợm” vừa đạt giải ba ở thể loại thơ với tác phẩm “Dường như gió đã rêu màu”.

Bên cạnh những thành công nêu trên, các hội viên chi hội VHNT Hàm Tân còn đóng góp những tác phẩm chất lượng vào tuyển tập “Thơ Bình Thuận 2010-2015” và “Văn Bình Thuận 2010-2015”.

Đời sống văn học không chỉ dừng lại ở những tác phẩm, điều quan trọng hơn là đưa tác phẩm đó đến với công chúng. Với rất nhiều hoạt động, từ việc tổ chức những đêm thơ, tham gia các sự kiện lớn của huyện  đến việc tham gia các văn đàn của tỉnh, trung ương, hội viên Chi hội VHNT Hàm Tân đã chuyển tải đời sống xã hội vào tác phẩm của mình và đưa văn học đến gần hơn với công chúng. Và không những thế, thông qua các hoạt động giao lưu, Chi hội VHNT Hàm Tân đã trở thành cầu nối để nhiều văn nghệ sĩ khác biết đến Hàm Tân và có nhiều tác phẩm hay viết tặng cho vùng đất này. Với tất cả những hoạt động  đó, Chi hội VHNT Hàm Tân đã góp phần nâng cao đời sống văn học huyện nhà.


Các tin khác