Trên 300 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý bị bắt và xử lý

Đó là kết quả thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống và kiểm soát ma tuý trên địa bàn huyện Hàm Tân sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị (khóa X).

Những năm qua, xác định công tác phòng, chống ma túy là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên lâu dài, gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ban Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, đối tượng; tập trung kiểm tra, kiểm soát, mở các đợt cao điểm chuyển hóa địa bàn, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống và kiểm soát ma túy nhằm triệt phá có hiệu quả các đường dây, tụ điểm tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy, bắt giữ, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Thường xuyên kiểm tra, khảo sát, xử lý triệt để tình trạng trồng và tái trồng cây cần sa trên địa bàn.

Với tinh thần quyết liệt, lực lượng Công an đã bắt, xử lý 225 vụ/301 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy (trong đó, đã xử lý vi phạm hành chính 166 vụ/219 đối tượng, khởi tố 59 vụ/82 bị can), thu giữ 946 viên thuốc lắc, 86,8149g Methaphetamin; 9,6716g heroin, 43 tép và 10 cục heroin, 59,301g cần sa. Triệt phá 15 tụ điểm phức tạp về ma túy. Phối hợp đưa 27 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; lập 36 hồ sơ đưa vào diện quản lý tại xã, phường, thị trấn. Lập 18 hồ sơ người cai nghiện điều trị bằng phương pháp uống thuốc dạng thay thế Methadone. Gọi hỏi răn đe giáo dục 200 lượt đối tượng ma túy cho cam kết không vi phạm pháp luật; triệt phá 31 vụ, tiêu hủy 29.200 cây cần sa. Viện Kiểm sát nhân dân huyện truy tố 56 vụ/79 bị can. Tòa án nhân dân huyện xét xử 56 vụ/79 bị cáo về tội "Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy" theo Điều 194 BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (nay là Điều 249, 250, 251 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật; theo dõi, cảm hóa giáo dục, giúp đỡ tạo việc làm cho các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng; thường xuyên thăm hỏi, động viên từng gia đình có con em nghiện và nghi nghiện ma túy có biện pháp quản lý, giáo dục con em mình; gắn với kiên trì phối hợp, vận động người nghiện tham gia các hình thức cai nghiện.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trồng cây cần sa vẫn còn; công tác quản lý giáo dục con, em tại gia đình và cộng đồng chưa chặt chẽ dẫn đến dễ dàng mắc vào tệ nạn ma túy; đối tượng sử dụng ma túy ngày càng tăng và lây lan trong học đường; có trên 80% số người nghiện ở độ tuổi ở độ tuổi thanh, thiếu niên, phần lớn không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thường xuyên tụ tập sử dụng ma túy... Đây là vấn đề bức xúc trong xã hội cần được quan tâm.

Do đó, cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Tiếp tục lấy thôn, khu phố làm địa bàn đấu tranh phòng, chống ma túy; nhân rộng các mô hình "Khu dân cư không có tệ nạn ma tuý". Tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào phòng, chống ma túy, tập trung vào các địa bàn phức tạp và những đối tượng có nguy cơ cao; phối hợp làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn; có giải pháp thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng tái nghiện. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trong đấu tranh tố giác tội phạm, vi phạm trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, thống kê nắm chắc số đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn để quản lý, đi đôi với tăng cường đấu tranh, triệt phá tội phạm về ma túy, không để phát sinh những tụ điểm, địa bàn phức tạp về ma túy; trong đó, chú ý khảo sát tình trạng học sinh sử dụng ma túy; đẩy mạnh xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy trong học đường; phối hợp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án ma túy, góp phần nâng cao tính giáo dục, răn đe, trấn áp tội phạm; làm tốt công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, thị trấn; đồng thời, đưa các đối tượng nghiện ma túy vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc; triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng" giai đoạn 2018 - 2023, góp phần hạn chế tình trạng phạm tội về ma tuý, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Các tin khác