Giải pháp đổi mới công tác Tuyên giáo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Trong thời gian qua công tác Tuyên giáo đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Đảng; thể hiện qua một số kết quả rõ nét: Công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, truyên truyền thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tăng cường thực hiện thường xuyên, chất lượng và hiệu quả từng bước được nâng lên; góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; góp phần đấu tranh với hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; chủ động, phòng ngừa, đấu tranh, phê phán, ngăn chặn những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên hiệu quả công tác Tuyên giáo đối với việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có lúc, có mặt còn hạn chế; nhất là chưa đến được với một bộ phận nhân dân.

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục có hoạt động chống phá với nhiều thủ đoạn, phương thức hoạt động; bên cạnh đó, trình độ của một bộ phận nhân dân còn thấp, chưa nhận thức đúng, đầy đủ thủ đoạn của các thế lực thù địch, là đối tượng dễ bị kích động, xúi giục thực hiện các hành vi, vi phạm pháp luật; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo quyết liệt... Do đó, đổi mới công tác Tuyên giáo là một vấn đề cấp thiết cần phải thực hiện với các giải pháp tích cực, đòi hỏi phải triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, trong đó cần:

1. Gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết từ sớm, từ gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh những bức xúc từ tư tưởng

Có thể thấy rõ những bức xức về tư tưởng bắt nguồn từ nhận thức, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đền bù, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội, y tế... tác động đến quyền lợi, tư tưởng, tâm lý một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực tiễn cho thấy, trước những bức xúc của nhân dân dù mức độ phức tạp đến đâu nếu thông tin kịp thời để người dân hiểu đúng chủ trương của Đảng thì mọi việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, bức xúc sẽ được giải tỏa. Do vậy, công tác tuyên giáo phải đi trước thực tiễn để dự báo, định hướng, đi cùng các sự việc để nắm chắc tình hình, đi sau để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, tâm trạng xã hội và đúc kết kinh nghiệm; phải bám sát, phục vụ trực tiếp, thiết thực và trở thành một khâu không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội; góp phần quan trọng củng cố sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

2. Đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết của Đảng theo tinh thần đúng người, đúng việc, nâng cao tính định hướng đối với hoạt động thực tiễn

Trước hết việc tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết cần được đổi mới theo hướng phân tầng các nội dung, phân loại đối tượng phù hợp.

Việc quán triệt, phổ biến nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, huyện trực tiếp do thường trực cấp ủy phụ trách. Đồng chí Bí thư, hoặc Phó Bí thư cấp ủy nghiên cứu kỹ nội dung nghị quyết, xác định đúng và trúng những nội dung cốt lõi của nghị quyết cần và có thể vận dụng sát hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị, định hướng cho việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.

Khi giới thiệu nghị quyết, cần coi trọng đồng thời việc định hướng nhận thức và định hướng hành động. Việc quán triệt các chương trình, kế hoạch hành động phải được xem là trọng tâm của việc triển khai thực hiện nghị quyết. Chương trình, kế hoạch hành động cần cụ thể, nêu rõ trọng tâm, trọng điểm, giải pháp đột phá, lộ trình triển khai, phân công rõ tổ chức, cá nhân đảm nhiệm. Dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, giải đáp những vấn đề đặt ra, tạo sự đồng thuận, thống nhất với quyết tâm chính trị cao ngày trong quá trình triển khai nghị quyết.

Tinh thần khoa học, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả cần được thấm nhuần sâu sắc trong toàn bộ quá trình chuẩn bị, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng. Chỉ có như vậy, đường lối, chủ trương và quyết tâm chính trị của Trung ương, tỉnh, huyện mới có thể chuyển hóa thành nhận thức tự giác của toàn Đảng, định hướng đúng và trúng cho hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên và nghị quyết mới đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực.

3. Phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng bộ của các lực lượng, các phương pháp, thường xuyên, kiên quyết đấu tranh phản bác, làm thất bại cuộc tiến công tư tưởng của các thế lực thù dịch, cơ hội chính trị

Công tác tư tưởng đòi hỏi phải gắn kết chặt chẽ giữa bồi đắp và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Không ngừng nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

Ba mũi tấn công chủ yếu cần được tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh đó là: Tuyên truyền miệng - đối thoại trực tiếp - phản bác trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng Internet. Để làm được điều đó cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người làm công tác tuyên giáo với nghiên cứu lý luận, an ninh tư tưởng - văn hóa, bảo vệ chính trị nội bộ với các cơ quan có liên quan dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của các cấp ủy đảng.

4. Nhân tố quan trọng đảm bảo sự thành công của công tác tuyên giáo là phải đảm bảo tính khoa học, tính chiến đấu và tính thuyết phục: Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn nghiên cứu lý luận, làm cơ sở cho công tác tuyên giáo; đổi mới phương pháp tuyên giáo linh hoạt, mềm dẻo, chuyển từ độc thoại sang đối thoại, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân; không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu dư luận xã hội. Dành sự quan tâm nhiều hơn đến tư tưởng, tình cảm của thế hệ trẻ, trí thức, công nhân, nông dân. Bảo đảm tính thống nhất trong chỉ đạo theo kế hoạch chung của ngành, phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo của Ban Tuyên giáo các cấp Tăng tính chiến đấu, chủ động, hiệu quả trong trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phải có sức thuyết phục và phải kết hợp giữa xây và chống, chống và xây.

5. Quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác tuyên giáo: Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần được xây dựng theo hướng chuyên sâu, có cơ cấu hợp lý, bộ máy tinh gọn. Trong các nhân tố tạo nên chất lượng của cán bộ tuyên giáo, yêu cầu bản lĩnh và nhạy bén chính trị đặt lên hàng đầu, phẩm chất đạo đức là cái gốc, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn, khả năng nói và viết là yếu tố quan trọng, phải luôn tìm tòi, sáng tạo, nắm bắt, phân tích, dự báo, thông tin kịp thời, chính xác để tham mưu, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, cầu thị.


Các tin khác