Có thể nói, sau điều chỉnh địa giới hành chính, Hàm Tân trở thành huyện miền núi nghèo nhất tỉnh với xuất phát điểm về mọi mặt còn rất thấp. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 21,02% với 4 xã thuộc Chương trình 135; 1 xã đặc biệt khó khăn và 1 xã bãi ngang ven biển. Ông Nguyễn Công Sanh, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy khóa VIII, nhiệm kỳ 2006 - 2010 cho biết “…Thời điểm này, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thiếu và chưa ổn định, cộng thêm cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại không thuận lợi, công tác quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, quy hoạch kinh tế - xã hội hầu như mới bắt đầu đi vào triển khai.Nhiều vùng chưa có điện lưới quốc gia, tiểu thủ công nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, thương mại dịch vụ không đáng kể, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp…”.
Khó nhưng không ngại khó, Đảng bộ huyện Hàm Tân lúc bấy giờ đã phát huy tối đa nội lực với tinh thần đoàn kết để vượt qua. Là huyện thuần nông, vì vậy Hàm Tân tiếp tục quan tâm phát triển nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, kiến nghị tỉnh đầu tư nhiều công trình thủy lợi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, kết hợp trồng rừng, sản xuất lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá tích cực. Từ một vùng đất khô hạn, đồi dốc bạc màu, dần dần chăn nuôi đã phát triển ổn định theo hướng tập trung, nguồn nước tưới cũng dần chủ động góp phần hình thành một số vùng chuyên canh các loại cây ăn trái, cây công nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế, sản xuất hạt giống, nông nghiệp công nghệ cao…
Qua những năm đầu thành công tạo nền móng, cơ sở vững chắc cho những năm tiếp theo tiếp tục làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo, xây dựng và phát triển huyện mới trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó huyện ra sức bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ sức đảm đương nhiệm vụ được giao. Coi trọng công tác xây dựng Đảng, tích cực phát triển đảng viên mới vì đảng viên của Đảng bộ còn ít, có nơi còn trống đảng viên. Ông Trịnh Văn Thu, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy khóa IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 cho biết: “Cùng với công tác xây dựng Đảng là quan tâm xây dựng, củng cố Mặt trận và các đoàn thể, nhất là luôn quán triệt tinh thần sát dân, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để giải quyết kịp thời những gút mắc, mâu thuẫn trong một bộ phận người dân. Nhờ vậy trong công tác bồi thường giải tỏa, có những lúc vướng mắc, căng thẳng tưởng chừng như không thể giải quyết được, nhưng cuối cùng cũng vượt qua, giúp cho tiến độ xây dựng cơ sở vật chất của huyện ngày càng đạt kết quả tốt hơn”.
Có thể nói, từ những chủ trương đúng đắn của huyện Hàm Tân khi đó đã giúp đưa kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh không ngừng ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn. Cơ sở hạ tầng, hệ thống trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, khang trang hơn, đã khắc phục phòng học tạm bợ, dột nát; đưa điện về cho các vùng sâu, vùng xa. Nổi bật trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Nguyễn Hữu Ba, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cùng với tập thể Huyện ủy đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Ghi dấu ấn về một Hàm Tân đổi mới, năng động, tạo thêm thế và lực thúc đẩy Hàm Tân phát triển.
Cho đến hôm nay, ông Văn Quý Ngọc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết:“Toàn huyện đã có 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Từ nền tảng phát triển kinh tế đã giải quyết căn bản bài toán việc làm, thu nhập, đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng cải thiện rõ rệt, làm tăng nguồn thu ngân sách hiện nay gấp gần 7 lần so 15 năm trước…”. Thực vậy, công nghiệp từ chỗ nhỏ lẻ, giá trị sản xuất chỉ đạt trên 43,7 tỷ đồng, nay ước đạt 631 tỷ đồng, tăng hơn 14,4 lần. Thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân, nhất là đã có 8/9 chợ/10 xã, thị trấn đi vào hoạt động.Chợ Tân Thắng đang hoàn chỉnh các thủ tục, chợ Tân Nghĩa đang kêu gọi đầu tư và thực hiện công tác bồi thường giải tỏa. Đặc biệt, huyện đã tranh thủ và tập trung mọi nguồn lực đầu tư với tổng nguồn vốn trong 15 năm qua gần 900 tỷ đồng, ngoài ra, còn được cấp trên đầu tư các công trình về giao thông, thủy lợi, cấp nước với tổng kinh phí gần 2.500 tỷ đồng. Theo đó, khu trung tâm hành chính huyện từng bước hoàn chỉnh, hạ tầng trung tâm các xã, thị trấn được nâng cấp, xây dựng mới. Bê tông nhựa, cứng hóa gần 420 km đường giao thông, phục vụ thiết thực nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cũng như góp phần tạo diện mạo mớivề hạ tầng giao thông của huyện…
Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cũng được Đảng bộ, chính quyền huyện tập trung thực hiện.Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vận động nhiều nguồn lực để chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, các chính sách an sinh xã hội, các chương trình giảm nghèo. Nhờ đó, từ một huyện khi thành lập có tới 3.113 hộ nghèo, tỷ lệ 21,02%, đến cuối năm 2020 số hộ nghèo là 500 hộ, tỷ lệ chỉ còn dưới 2,5%.
Có thể thấy, huyện Hàm Tân hôm nay đã thay đổi diện mạo, khoác lên mình bộ áo mới, bộ mặt nông thôn được thay đổi theo hướng văn minh, giàu đẹp. 15 năm chỉ là một chặng đường ngắn so với lịch sử phát triển của một địa phương, một vùng đất. Tuy nhiên những nỗ lực của Đảng bộ huyện Hàm Tân trong 15 năm qua đã để lại dấu ấn đáng kể, có thêm niềm tin về Hàm Tân tươi sáng. Ông Võ Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn khởi nhận định: “Một nhiệm kỳ mới bắt đầu với niềm tin, kỳ vọng hướng về tương lai. Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, khách quan, đổi mới và phát triển, Đảng bộ huyện Hàm Tân sẽ tiếp tục đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo những bước đột phá để xây dựng Hàm Tân ngày càng phát triển”.
Nguồn Báo Bình Thuận