NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU 2% KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN TRONG DOANH NGHIỆP NGOÀI KHU VỰC NHÀ NƯỚC

Các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn huyện Hàm Tân phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động thiếu ổn định. Việc thu 2% kinh phí  công đoàn (KPCĐ) theo đó cũng gặp nhiều khó khăn. Những năm trước đây, LĐLĐ huyện Hàm Tân cũng được giao chỉ tiêu thu KPCĐ, nhưng không thực hiện được. Hai năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2020, LĐLĐ huyện đã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, việc thu  KPCĐ có chuyển biến tích cực, đã thu vượt chỉ tiêu cấp trên giao cho đơn vị. 

Năm 2020, Hàm Tân có 26 doanh nghiệp tham gia đóng KPCĐ, trong đó  10 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đóng 175 triệu đồng; 16 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn đóng 246 triệu đồng. Tổng cộng đã thu 421 triệu đồng/ chỉ tiêu 300 triệu đồng. Có được kết quả đó, là nhờ LĐLĐ huyện tăng cường đi cơ sở nắm chắc tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn và phối hợp các cơ quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.

LĐLĐ huyện thường xuyên đến thăm các doanh nghiệp, hoặc ở những thời điểm khó khăn như mùa dịch bệnh covid 19, LĐLĐ huyện đã đến nắm tình hình phòng chống dịch bệnh, chia sẻ khó khăn, động viên người lao động yên tâm sản xuất. Ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, LĐLĐ huyện tranh thủ những hội nghị có nhiều doanh nghiệp tham dự, hoặc những nơi các chủ doanh nghiệp thường sinh hoạt, đến tiếp cận, tạo sự gần gũi, đồng cảm giữa người kinh doanh và cơ quan đại diện cho người lao động cấp huyện trong việc hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của hai bên.

LĐLĐ huyện theo dõi thường xuyên, kịp thời tình hình đóng KPCĐ của doanh nghiệp. Hàng quý, LĐLĐ huyện ban hành các văn bản gửi cho chủ doanh nghiệp, trong đó xác định việc đóng KPCĐ là thực hiện theo Nghị định số 191/ 2013/NĐ- CP của Chính phủ. Kèm theo đó là số tiền cụ thể của mỗi doanh nghiệp phải đóng tương ứng với số lao động họ đang sử dụng ở từng thời điểm.

LĐLĐ huyện công tác cơ sở tại Công ty Lý Hiền Lâm (xã Tân Đức)

Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện đã phối hợp với nhiều cơ quan, nhiều cấp để đôn đốc việc thu KPCĐ, trong đó, phối hợp chủ yếu với Chi cục Thuế, BHXH, và một số cơ quan khác.

Đối với BHXH huyện, hàng quý, LĐLĐ huyện làm việc, xác định các doanh nghiệp có tham gia BHXH, đó là cơ sở quan trọng trong việc xác định số tiền doanh nghiệp phải đóng KPCĐ. Phối hợp ngành thuế khi đi kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp,  nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ này. Đối với một số cơ quan khác như Phòng LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động huyện phối hợp trong công tác kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp để nhắc nhở. Phối hợp với Phòng VH&TT đi cơ sở để tuyên truyền, nhắc nhở trong các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực du lịch.

Tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, LĐLĐ huyện chỉ đạo BCH công đoàn nhắc nhở chủ doanh nghiệp đóng KPCĐ đúng thời gian, đúng số lượng tham gia BHXH. Nếu thực hiện tốt điều này, thì người lao động tại đơn vị sẽ được hưởng lợi. Tại doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, LĐLĐ thường xuyên làm việc với bộ phận kế toán, đây là đầu mối quan trọng ở các doanh nghiệp trong việc tham mưu đóng đúng, đủ KPCĐ theo quy định của pháp luật.

LĐLĐ tặng quà cho công nhân ở Công ty Tăng Quang Cường (xã Sông Phan)

Kết quả thu KPCĐ trên địa bàn huyện Hàm Tân trong năm 2020 có chuyển biến tích cực. Kết quả đó là kết quả của sự phối hợp, tìm tòi các giải pháp của LĐLĐ huyện để thu KPCĐ năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước. Và cũng qua đó, chuyển về công đoàn cơ sở số kinh phí nhiều hơn, chăm lo tốt hơn cho người lao động tại các doanh nghiệp ngòai khu vực nhà nước.


Các tin khác