Hàm Tân thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Những năm qua cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể huyện Hàm Tân đã tập trung nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo theo hướng bền vững.

Công tác giảm nghèo đã được cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân trong toàn huyện tích cực tham gia thực hiện, tạo sự chuyển biến về nhận thức tự vươn lên. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cố gắng tự học nghề, tự tìm tòi học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm để vươn lên thoát nghèo.

Các chính sách, dự án về giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng trên địa bàn huyện; Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng… Bộ mặt nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới về mọi mặt, đặc biệt các xã nghèo, khó khăn như Sông Phan, Tân Hà, Thắng Hải đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Người dân đã biết tính toán, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất… góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong huyện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 15%, năm 2014 giảm còn 6,86%, ước đến cuối năm 2015 giảm xuống còn dưới 5%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện không chỉ được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây nhà ở mà còn tạo điều kiện cho các hộ này vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, được dạy nghề, chuyển giao khoa học kĩ thuật… Từ đó, đời sống của các hộ nghèo được cải thiện, vươn lên thoát nghèo. Như gia đình anh Nguyễn Xuân Lục ở thôn Suối Tứ, xã Thắng Hải là một trong nhiều điển hình về việc giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Trước kia, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, sống dựa vào những ngày công làm thuê thường nhật, cuộc sống khó khăn. Năm 2008, được Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng, gia đình anh đầu tư mua 1 con bò sinh sản, đến năm 2012 đàn bò của gia đình anh được 10 con, mang về thu nhập ổn khá cho gia đình. Hay như hộ chị Đặng Thị Huệ ở thôn Hà Lãng xã Thắng Hải, sau nhiều năm cây nhãn mất mùa, mất giá, tất cả tài sản của gia đình lần lượt trả nợ, nhưng được sự trợ giúp của Hội Nông dân, chị được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Từ đây chị đã đổi hướng chuyển sang mô hình trồng cỏ, nuôi bò. Hiện gia đình đã có 12 con bò lớn nhỏ, với 6 sào cỏ voi đủ cung cấp cho đàn bò của mình. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng từ mô hình trồng cỏ nuôi bò. Từ khi thoát nghèo, gia đình anh Lục, chị Huệ tham gia tích cực vào phong trào của thôn, xóm và giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

         Những năm qua, Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện Hàm Tân đã tích cực thực hiện đồng bộ, lồng ghép nhiều giải pháp với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người nghèo, ưu tiên hơn cho người nghèo thuộc các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách giảm nghèo để cải thiện đời sống của người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn. Nhờ các chính sách ưu đãi nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.

Hướng giải pháp giảm nghèo bền vững là thực hiện tốt chính sách đào tạo, dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, tuyên truyền để cho hộ nghèo xác định được nghĩa vụ của mình cần thực hiện các chính sách thoát nghèo, tự chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động, biết sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo. Thực hiện tốt chính sách đào tạo, dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, trong 5 năm qua đã giải quyết việc làm cho 10.427 lao động được thụ hưởng chính sách đào tạo, dạy nghề. Các hình thức bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo hộ cận nghèo cũng được đảm bảo như hỗ trợ về y tế, về giáo dục đào tạo, về trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện. Trên 70 % hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế toàn dân. Từ năm 2010 đến nay đã hỗ trợ xây dựng 455 căn nhà cho người nghèo trị giá trên 8 tỷ đồng. Hỗ trợ xây mới 32 căn và sửa chữa 103 căn nhà cho gia đình chính sách với tổng trị giá 3,835 tỷ đồng.

Với những giải pháp thiết thực và đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện tiếp tục đạt được những chỉ tiêu đặt ra, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện ngày càng phát triển.


Các tin khác