Với Bác, thế hệ măng non là những chủ nhân tương lai của đất nước. Điều này thể hiện rõ trong thư Bác gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945:“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Cùng với niềm mong mỏi Bác gửi vào thơ tặng các cháu nhi đồng, ngày 10 tháng 4 năm 1946:
“Bác mong các cháu chăm ngoan,
Mai sau gìn giữ giang san Lạc - Hồng.
Sao cho nổi tiếng Tiên – Rồng,
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”.
Trong Thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 01-6-1950, Bác viết: “Ở nước Việt Nam ta, thì vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến...”
Bác luôn nhắc thiếu nhi phải đoàn kết, thi đua học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khoẻ. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong (tháng 5 năm 1961), Bác gửi đến thiếu nhi cả nước 5 lời dạy thiêng liêng:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”
Khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi đối với tương lai mai sau của đất nước, Bác luôn xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Ba tháng trước ngày đi xa, Bác viết bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” in trên báo Nhân dân. Bác viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.
Trong Bản di chúc lịch sử của mình, Bác Hồ cũng đã hai lần nhắc đến các cháu nhi đồng, Người dành muôn vàn tình thương yêu của mình cho các cháu nhi đồng Việt Nam và nhi đồng quốc tế. Tấm lòng của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam ví như trời biển; nỗi thương nhớ của Bác đối với các cháu không bao giờ vơi cạn. Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong Di chúc của mình, Bác còn gửi gắm:“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng...”.
Lòng yêu thương và những lời dạy của Bác vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng mọi thời đại. Thấu triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thiếu niên, nhi đồng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương giáo dục thiếu niên, nhi đồng và ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo với phương châm “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.