NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC DÂN VẬN.

Trong cuộc sống hàng ngày, trong các mối quan hệ đan xen, phức tạp không thể tránh khỏi phát sinh mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp do suy nghĩ khác nhau, cách xử sự khác nhau dẫn đến bất hòa, xung đột; đặc biệt là sự cạnh tranh, va chạm về lợi ích trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay lại càng dễ nảy sinh các tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột không chỉ giữa cá nhân với cá nhân mà cả với tập thể, với Nhà nước nhất là trong các lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự... Những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp có thể dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức, làm ảnh hưởng mối quan hệ đoàn kết cộng đồng, rạn nứt tình làng nghĩa xóm, có trường hợp vi phạm pháp luật. Hòa giải ở cơ sở là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mang đậm tính nhân văn , hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội  và nền tảng pháp luật góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Để giữ gìn tình làng nghĩa xóm, không để phát sinh thành những vụ việc nghiêm trọng, việc giải quyết những xung đột, tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng tốt nhất và hữu hiệu nhất là bằng con đường hòa giải - hòa giải của cộng đồng ở cơ sở, hạn chế tối đa sự can thiệp của chính quyền Nhà nước bằng con đường hành chính; Nhà nước ta đã ban hành chính sách, quy định về hòa giải ở cơ sở cụ thể như: Pháp lệnh vể tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP, ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh vể tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013... Việc hoàn thiện thể chế quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, có hiệu quả. 

Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở tại Hàm Tân luôn được chú trọng. Hiện nay, Hàm Tân đang tiếp tục duy trì 53 Tổ hòa giải tại 53 thôn, khu phố với tông số thành viên là 329 người/65 nữ. Các Tổ hòa giải thường xuyên được củng cố; thành phần Tổ hòa giải là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ Mặt trận... là những người có phẩm chất đạo đức, uy tín, có sự am hiểu về pháp luật, đại diện cho nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia làm công tác hòa giải. Tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc hàng năm đạt trên 70% (Năm 2019, hòa giải thành 85 vụ/117 vụ, đạt 72,6%; năm 2020 hòa giải thành 170 vụ/224 vụ, đạt 75,9%). Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở đã tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người dân hiểu và chấp hành, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: nhận thức của một bộ phận nhân dân về công tác hòa giải ở cơ sở chưa đầy đủ nên vẫn còn tình trạng đơn, thư vượt cấp; chất lượng hòa giải có vụ việc chưa cao; trình độ, kỹ năng của các thành viên Tổ hòa giải chưa đồng đều, khả năng, điều kiện cập nhật thông tin còn hạn chế; hoạt động của các Tổ hòa giải trong toàn huyện  không đồng đều, một số Tổ hòa giải hoạt động hiệu quả chưa đạt yêu cầu, hiệu quả chưa cao, số vụ hòa giải không thành chuyển lên cơ quan có thẩm quyền còn cao nhất là trong lĩnh vực đất đai; việc thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, theo dõi các vụ việc hòa giải ở cơ sở của một số xã, thị trấn chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời; công tác phối hợp giữa các thành viên trong Tổ hòa giải, chính quyền với Mặt trận và các tổ chức thành viên ở một số nơi chưa đồng bộ nên ảnh hưởng đến hoạt động hòa giải.

Mục tiêu của công tác hòa giải là nhằm giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân để giữ gìn, bảo vệ mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư; đây cũng là một trong những mục tiêu của công tác Dân vận. Để hoạt động hòa giải trong thời gian tới đạt được kết quả tốt cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, đoàn thể các cấp và xem hòa giải cơ sở là một nội dung quan trọng trong công tác Dân vận, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác Dân vận. Hoạt động hòa giải ở cơ sở là một trong những phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên củng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải, chú trọng giới thiệu những người có trình độ, năng lực, uy tín tham gia; quan tâm đến công tác bồi dưỡng, thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho các thành viên Tổ hòa giải; thực hiện tốt vai trò chủ động tham mưu của cán bộ, công chức làm công tác tư pháp trong thực hiện quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò của hương ước, quy ước đối với công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao chất lượng công tác Dân vận.


Các tin khác